Giải bài toán cho cây mía

Hồng Quân 19/01/2016 08:25

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, niên vụ 2015 - 2016 tổng diện tích mía trồng của tỉnh chỉ đạt gần 10.000 ha, giảm trên 7.000 ha (tức giảm khoảng 40% tổng diện tích mía) so với niên vụ trước.

Niên vụ mía mới.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tổng diện tích mía của tỉnh giảm mạnh, chủ yếu là do sâu bệnh hoành hành, giá mía thu mua đầu vào của các nhà máy đường trong tỉnh giảm so với niên vụ trước. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân diêm, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng,… dẫn đến người dân trồng mía bị thua lỗ nặng nên đã chủ động chuyển sang trồng sắn, ngô và một số loại cây trồng thay thế khác với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thế nhưng, nếu cây mía được chăm sóc tốt thì năng suất, chữ đường cao, giảm chi phí… để việc trồng mía sẽ có lời cao là tất yếu nhưng cũng là một bài toán khó cho chính quyền, các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu.

Mía là cây trồng cạn nhưng lại rất “khát” nước, nước chiếm trên 70% khối lượng cây mía thu hoạch. Tuy nhiên, lâu nay, việc trồng mía của người dân ở nhiều địa phương vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời, rất ít ruộng mía được tưới nước đều đặn theo chu kỳ sinh trưởng của cây mía.

GS Võ Tòng Xuân, thừa nhận: Chỉ cần qua khâu tưới mía của hầu hết bà con trồng mía tôi thấy lạ, lạ ở đây chính là người trồng mía thường xuống hom vào mùa khô và chờ 3 – 4 tháng để “nhờ” trời mưa, có thể nói là không tưới vào mùa khô mà lại bị ngập úng vào mùa mưa. Trong khi đó, nếu tưới từ đầu thì với khoảng thời gian trên đã giúp cho cây mía phát triển tốt.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó TGĐ phụ trách nông nghiệp, Cty CP mía đường Thành Công - Tây Ninh, cho rằng: Với đặc thù của cây mía, tuy trồng 1 năm mới cho thu hoạch nhưng thực chất cây mía chỉ phát triển trong khoảng thời gian 6 - 8 tháng nếu được chăm sóc tốt. Tỉnh Tây Ninh có đặc điểm khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

Cho nên, việc tưới mía vào mùa khô là biện pháp hữu hiệu, giúp tăng thời gian sinh trưởng, tăng số cây mía, góp phần tăng năng suất cây mía cũng như trữ đường. Ngược lại, nếu thiếu nước, cây mía sẽ chậm phát triển, năng suất thấp.

Trước thực trạng nhiều vùng nguyên liệu bị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô, đặc biệt nhiều cách tưới cũ của bà con gây lãng phí nguồn nước có hạn… Ngoài các chính sách đầu tư nguồn vốn khác cho người trồng mía, Công ty CP mía đường Thành Công – Tây Ninh đã tìm thêm hướng đi mới bằng việc đưa ra nhiều giải pháp, chính sách ưu đãi trong việc tưới mía để người trồng mía chủ động lựa chọn phù hợp với điều kiên kinh tế của mình.

Cụ thể như: Ứng vốn lắp bình hạ thế, kéo đường điện phục vụ tưới với định mức 7 triệu đồng/ha trên diện tích hưởng lợi của công trình; ứng vốn thâm canh phục vụ tưới mía tối đa 8 triệu đồng/ha. Đặc biết, ứng vốn lắp đặt hệ thống tưới béc quay với mức 15 triệu đồng/ha; Đầu tư không hoàn lại với định mức 2 triệu đồng/ha cho việc hạ bình điện phục vụ tưới mía, và cho việc lắp đặt hệ thống tưới béc quay.

Hiện trên thực tế, nhiều bà con trồng mía vẫn đang áp dụng các loại hình tưới như: Tưới dây phun Đài Loan; tưới súng; tưới ngầm; tưới tràn; tưới nhỏ giọt… với mỗi hình thức tưới đều có những ưu nhược điểm riêng. Nhưng, nhìn chung về lâu dài sẽ không đem lại hiệu quả cao, tốn nhân công, tuổi thọ sử dụng không cao và chỉ phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía, chẳng hạn như tưới dây phun của Đài Loan thì khi cây mía lên cao khó thực hiện tưới được.

Theo ông Hùng, bà con nông dân nên mạnh dạn đầu tư vào hệ thống tưới béc quay cố định sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với các hình thức tưới khác, với những ưu việt mang lại, lượng nước nhiều và đều, giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước và nhiên liệu, thời gian sử dụng 6 – 7 năm. Mặc dù, chi phí ban đầu hơi cao, khó triển khai trên diện tích thuê. Chính vì thế, Công ty đã có chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ giá trị của hệ thống tưới béc khoảng 15 triệu đồng/ha cho bà con. Qua quá trình sử dụng hệ thống tưới béc, kết quả cho thấy, cây mía tăng năng suất từ 22 – 25 tấn/ha so với mía không tưới. Và, tăng hơn 10 tấn/ha so với tưới bằng các hình thức khác, vì thế khả năng thu hồi vốn là rất cao.

Niên vụ vừa qua, niềm vui, nụ cười của người trồng mía ở các huyện Châu Thành và Tân Biên là kết quả của việc chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật đến cây mía, trong đó có áp dụng đâu tư hệ thống tưới béc quay.

Ngoài các chính sách đầu tư nguồn vốn cho người trồng mía như: Cây giống, phân diêm, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới tiêu, bao tiêu trữ đường… thì doanh nghiệp luôn chủ động cập nhật thông tin thị trường để chia sẽ lợi ích, tăng thêm thu nhập cho nông dân, ngoài việc giữ và phát triển thêm diện tích trồng mía. Có thể nói, với sự quan tâm của chính quyền, các công ty thu mua nguyên liệu đến người trồng mía, hy vọng cây mía Tây Ninh sẽ phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán cho cây mía

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO