Giáo dục học sinh về ATGT: Biện pháp mạnh có cải thiện ý thức?

Lê Vinh 13/03/2016 13:05

“Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe”. Đây được coi là một biện pháp mạnh mà Sở GD&ĐT đưa ra nhằm răn đe học sinh và kêu gọi nỗ lực hợp tác của phụ huynh.

Ảnh minh họa.

Thờ ơ trước hiểm nguy

Theo khảo sát của phóng viên, tại Hà Nội nhiều học sinh phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đi xe máy khi chưa đủ điều kiện, hoặc đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở ít thực hiện đội mũ bảo hiểm khi được phụ huynh chở đi học bằng xe máy. Khi tan trường, tại nhiều trường tiểu học nhiều gia đình vẫn vô tư chở 2, 3 cháu trong khi các cháu không được đội mũ bảo hiểm.

Thậm chí, một số phụ huynh dù có mang mũ bảo hiểm theo nhưng chỉ treo trên xe chứ không đội cho con. Như chị Mai Trang (Gia Lâm), biện hộ nhà gần, mang đi mang về vướng bận lắm. Có người lại bảo quên hay trời nóng nực; không có nơi cất đặt, sợ mất…

Còn có một số phụ huynh cho rằng trẻ em thì không nên đội mũ bảo hiểm vì có thể làm tăng nguy cơ chấn thương ở cổ hay làm yếu tay, ảnh hưởng đến sự phát triển cột sống của trẻ. Điều này là chưa có bằng chứng nhưng thực tế thì đã chứng minh trẻ không đội mũ bảo hiểm nguy cơ tử vong cao hơn khi tham gia giao thông.

Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2015 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến trẻ em gây tử vong. Khi xảy ra tai nạn, các em đều không được đội mũ bảo hiểm. Trong năm 2015 lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở các địa phương tuy đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp và không được duy trì ổn định. Điều đó chứng tỏ vai trò việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông là hết sức quan trọng.

Đình chỉ học: Nên hay không?

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây đã ban hành quy định: Học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.

Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe. Thời gian thực hiện quy định từ năm học 2016- 2020. Việc tổ chức, kiểm tra và giám sát xử lý vi phạm được thực hiện hàng tháng.

Quy định này ngay khi đưa ra đã nhận được sự đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì cho rằng quá nghiêm khắc. Chị Hằng Nga (Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ: Con tôi năm nay học lớp 7, tôi rèn cho cháu đội mũ bảo hiểm từ tiểu học. Đó là bảo vệ tính mạng cho con mình cơ mà. Còn anh Mạnh Dũng (Minh Khai) thì tặc lưỡi, sống chết có số, đình chỉ học vì cái mũ thôi thì khắt khe quá. Chị Vân - một phụ huynh học sinh thì gắt gắt cho rằng: Đình chỉ học 1 tuần quá bằng thả hổ về rừng. Học sinh ương bướng được thả ra ngoài xã hội càng dễ hư hơn. Ngành giáo dục không nên áp đặt việc xử phạt theo lối xưa cũ này.

Về phía học sinh, em Vũ Minh, học sinh lớp 11 Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, với tình trạng vi phạm giao thông của học sinh hiện nay, đúng là nên có biện pháp mạnh tay. Tuy nhiên, buộc nghỉ học một tuần là mức kỷ luật quá nặng. Đình chỉ học chỉ có tác dụng với các bạn chăm học còn với các bạn vốn lười thì lại thích.

Đúng vậy, Minh Hiếu - lớp 9 Trường PTCS Minh Khai cho rằng, buộc thôi học một tuần sẽ khiến học sinh bỗng dưng được nghỉ ở nhà, tha hồ điện tử. Cách xử lý này là quá dễ dàng.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, ký vậy nhưng thực hiện hay không cũng còn tùy.

Trao đổi về vấn đề này, cô Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường TPCS Nguyễn Phong Sắc - Hà Nội cho rằng: Giáo viên và phụ huynh cần làm gương cho con trong mọi vấn đề, nhất là việc chấp hành luật giao thông, đồng thời hình thành thói quen cho học sinh trong việc tuân thủ, thực hiện theo quy định của pháp luật. Còn ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì thẳng thắn:Thay vì bao che, “lo lót” cho con, phụ huynh hãy cùng phối hợp với nhà trường giáo dục con em thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông.

Trao đổi với báo chí, TS Vũ Thu Hương- giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết bà đồng tình với cách phạt này. Theo bà, điều này cũng góp phần để các bậc phụ huynh làm gương khi tham gia giao thông, bởi nhiều khi lỗi của trẻ em lại xuất phát từ chính người lớn. TS Vũ Thu Hương phân tích, để học hỏi cần có những biện pháp giáo dục khác nhau, đặc biệt khi trẻ nhỏ nhận sự trả giá, chúng sẽ rút kinh nghiệm rất nhanh. Nhưng với tai nạn giao thông thì đôi khi còn không còn cơ hội để trả giá.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì TNGT, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục học sinh về ATGT: Biện pháp mạnh có cải thiện ý thức?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO