Giáo dục toàn diện cho trẻ: Vài giờ trải nghiệm là chưa đủ

Thủy Anh 24/05/2016 13:30

Các mô hình trang trại giáo dục xanh hiện đang được rất nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm thực hiện. Theo kỳ vọng của nhiều thầy cô, phụ huynh, mô hình trang trại giáo dục này nên được cho các em làm quen lâu dài trong trường học, để bổ sung cho các em tình yêu đối với thiên nhiên, con vật, thay vì chỉ để cho các em đi thư giãn một vài giờ.

Một buổi các em tập làm nông dân.

Trải nghiệm không đơn thuần là thư giãn

Theo ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm lớp học xanh Sơn Nam cho biết: Hàng tuần, các trường từ mầm non tới tiểu học thường cho học sinh qua Trang trại giáo dục xanh này để vui chơi, trải nghiệm và học tập. Tại đây các em được biết đến những loài cây, con vật, được trải nghiệm cấy lúa, nuôi động vật…

Tương tự ở những trang trại giáo dục khác ven Hà Nội, cuối tuần nào cũng nườm nượp xe đưa đón các em học sinh đến các trang trại giáo dục này. Đây thực sự là cách làm hiệu quả khi điều kiện tại trường học chật hẹp, không có nhiều không gian để cho các em vui chơi và trải nghiệm.

Ông Đoàn Thế Hùng - Phó giám đốc Công ty cổ phần giống cây trồng (Viện Cây lương thực và thực phẩm), nơi cung cấp thường xuyên các giống cây trồng cho các trường học, trung tâm giáo dục cũng khẳng định: Đây là mô hình rất hiệu quả. Qua đó các em có thể nhận biết những khái niệm về cây… Đồng thời giúp các em yêu thiên nhiên hơn, ham thích lao động hơn. “Được đi ngoại khóa, đứa trẻ nào cũng rất thích, thậm chí có những ruộng lúa bùn rất bẩn nhưng các em cũng tranh nhau nhảy xuống nhổ mạ, cấy lúa. Nhiều khi các em xắn quần áo xuống hái cà chua, hái dưa chuột…”- ông Hùng nói.

Tuy nhiên, chuyên gia của Viện Cây lương thực và thực phẩm cũng cho rằng, nếu các em được học lý thuyết từ đầu rồi xuống thực hành thì tốt hơn. “Hiện nay có rất ít trường có mô hình giáo dục tại trường, ví dụ cho trẻ học từ đầu cách gieo trồng, làm đất, thu hoạch... Tất nhiên có nhiều nguyên nhân. Nhưng có nguyên nhân do chưa có điều kiện, và thứ hai là do tư duy giáo dục”.

Ông Đoàn Thế Hùng cho biết: “Có một số trường đã thực hiện hiện mô hình trang trại nhỏ tại trường, sau khi học xong tiếp tục cho các em xuống tham quan mô hình sản xuất công nghệ cao, các khu vườn sản xuất rau hữu cơ, vui chơi, thực tập thực hành phương pháp cấy lúa, trồng rau hữu cơ, trồng rau thủy canh tại Viện Cây lương thực và thực phẩm. Khi được tiếp thu nhiều kiến thức mới, đặc biệt được trải nghiệm thực tế những gì các em đã học, các em rất hứng khởi. Hi vọng mô hình này sẽ được các trường quan tâm hơn. Viện cũng sẵn sàng mở cửa chào đón các em để các em vừa được vui vừa được học”.

Triển khai mô hình nhỏ tại các nhà trường

Để ví dụ cho mô hình học tập từ đầu, ông Đoàn Thế Hùng nhắc đến một số trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội thực hiện mô hình “nông dân nhí”, cho các em học tập và trải nghiệm từ những giai đoạn đầu tiên. Tại Trường Tiểu học công nghệ giáo dục, hàng tuần, mỗi lớp khoảng 25 em lại có 1 tiết học làm “nông dân nhí”.

Trong không gian chỉ chừng 20 mét vuông các em được học các công đoạn như tìm hiểu khám phá với vườn; cách làm đất, cách làm phân ủ; cách gieo hạt giống như thế nào hoặc trồng cây con như thế nào; sinh vật nào có lợi và sinh vật nào có hại; có thuốc thảo mộc nào để hạn chế sâu bệnh không....

Bên cạnh đó, các giáo viên cũng sẽ dạy các em về dinh dưỡng, để cho các em biết được trong rau củ quả có chất gì tốt cho cơ thể. Qua đó, ông Hùng cho rằng: Không cần phải có không gian thật rộng lớn mới có thể xây dựng được cho các em một khu vui chơi, học tập và trải nghiệm làm… nông dân.

“Đây là mô hình rất nên được phổ biến tại các trường. Bởi vì ở đó các em được biết khái niệm, biết quá trình tạo ra sản phẩm như thế nào. Các em cũng có sự vận động để yêu lao động hơn, biết trân trọng người làm ra sản phầm, khi biết rằng quá trình từ một hạt giống cho đến sản phẩm đưa ra bàn ăn là cả sự vất vả của các phụ huynh, bà con nông dân” - ông Hùng chia sẻ.

Là giáo viên trực tiếp dạy các em tại Trường Tiểu học công nghệ giáo dục, cô giáo Hà Lan, Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị cho hay: Quá trình dạy các em tôi nhận thấy có sự thay đổi rất lớn về tình yêu thiên nhiên. Ví dụ, ngày học ban đầu các em rất sợ đất, coi đất là thứ rất bẩn thỉu. Khi bắt tay vào dạy các em đã có sự thay đổi, cảm thấy đất có vai trò rất quan trọng để con người có thể tồn tại được. Khi dạy các em về các loại sinh vật như sâu, giun các em biết được giun là loài vật có ích cho vườn, các loại sâu không có lợi cho vườn, nhưng cũng có vai trò trong hệ sinh thái…

Cô Lan cũng cho biết thêm: Đối với trẻ em, xung quanh các em có rất nhiều điều mới lạ. Ở lứa tuổi đó các em bị rất nhiều thứ thu hút, nên việc cho các em đi giã ngoại trải nghiệm 1 ngày sẽ chỉ là hoạt động để thư giãn, để các em cảm thấy có nhiều thứ thú vị ở xung quanh. Nhưng để các em thực sự biết được vai trò của nghề nông cũng như tầm quan trọng của môi trường thì tôi nghĩ cần có một chương trình giống như là một môn học cụ thể ở trường học cho các em. Như vậy mới có tác động thật sự lâu dài.

Đây cũng chính là quan điểm của nhiều trường tiểu học khi bắt tay vào thực hiện lớp học trải nghiệm tại nhà trường. Theo cô giáo Nguyễn Hồng Thúy- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học công nghệ giáo dục: Các em học sinh cần được phát triển toàn diện, không phải chỉ chú trọng nội dung văn hóa mà chú trọng cả về kỹ năng sống, phát triển thể chất, nghệ thuật. Chương trình “nông dân nhí” chính là một trong những chương trình mà nhà trường hi vọng sẽ có tác động bước đầu tới các em về nhận thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo dục toàn diện cho trẻ: Vài giờ trải nghiệm là chưa đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO