Giao thông đường thuỷ chuyển mình

Đoàn Xá 20/12/2019 06:30

TP Hồ Chí Minh mới quyết định đầu tư phát triển tuyến phà vượt biển đầu tiên cả nước, nối liền từ huyện đảo Cần Giờ sang TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), tuyến đường thuỷ xuyên biển này được kỳ vọng sẽ thay thế các loại phương tiện giao thông khác, tạo thuận lợi cho người dân. Cùng với tuyến phà vượt biển này, thời gian qua hàng loạt tuyến giao thông đường thuỷ kết nối các thành phố lớn đã được đưa vào hoạt động.

Giao thông đường thuỷ chuyển mình

Một tàu cao tốc ở khu vực phía Nam được đưa vào hoạt động.

Khu vực phía Nam có rất nhiều tuyến tàu cao tốc tập trung chủ yếu ở TP HCM, TP Vũng Tàu, Rạch Giá để đi các đảo như Côn Đảo, Phú Quốc, Nam Du, Cần Giờ… Đặc điểm của những chuyến tàu cao tốc này là có thời gian chạy nhanh hơn so với các loại phương tiện đường thuỷ thông thường khác. Cụ thể, tuyến tàu cao tốc TP Vũng Tàu đi Côn Đảo mất thời gian khoảng 4 giờ đồng hồ cho hải trình dài 97 hải lý (khoảng 180km). Trong khi các phương tiện đường thuỷ khác (như phà, ghe máy…) phải mất từ 8-10 giờ đồng hồ cho hải trình trên.

Chính vì rút ngắn rất nhiều thời gian đi lại nên hai năm qua, hàng chục tuyến tàu cao tốc đã được cấp phép hoạt động. Như ở TP Vũng Tàu hiện có tàu cao tốc di chuyển đi hàng chục địa điểm khác gồm Côn Đảo, TP HCM, Cần Giờ, Bến Tre… Thậm chí tại TP HCM, khu vực bến Bạch Đằng (Quận 1) cũng có nhiều chuyến tàu cao tốc đi các địa phương khác.

Không chỉ có TP HCM, các địa phương có hệ thống sông ngòi, biển và giao thông kết hợp khác như Cần Thơ, Rạch Giá cũng đã và đang mở nhiều tuyến tàu cao tốc. Tàu cao tốc có ưu thế hơn hẳn về tốc độ di chuyển. So với phương tiện đường không (máy bay) tàu cao tốc cũng có ưu thế về giá cả, thường chỉ bằng ½ so với giá vé máy bay. Đó cũng là lý do khiến các tuyến tàu cao tốc được mở ra nhiều hơn, ở nhiều địa điểm hơn.

Theo các chuyên gia về hạ tầng giao thông, các tuyến tàu cao tốc nối liền từ các thành phố lớn tới các hòn đảo đông đúc ở khu vực phía Nam chủ yếu phục vụ mục đích du lịch. Và tương lai, khi du lịch ngày càng phát triển thì tần suất và số các tuyến tàu này chắc chắn sẽ còn được mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của loại hình giao thông này thì các chuyên gia cũng cảnh báo giao thông đường thuỷ hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tai nạn giao thông. Nhiều tuyến cao tốc di chuyển chủ yếu trên luồng sông hẹp, trong khi nguyên tắc cơ bản là tàu cao tốc chạy trên biển. Ngoài ra, hiện nay tàu cao tốc vẫn chủ yếu chỉ phục vụ khách du lịch, không thể phát triển để làm giảm bớt áp lực giao thông đường bộ như những kỳ vọng ban đầu.

Một cách khách quan, việc phát triển mạng lưới tàu cao tốc là cần thiết và quan trọng khi khu vực phía Nam có hàng trăm hòn đảo. Ngoài ra, kết nối các địa điểm khác nhau bằng đường thuỷ cũng là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc quy hoạch và kết nối cũng như chất lượng của các tuyến tàu cao tốc này cũng là điều cần quan tâm. Đặc biệt, hệ thống cứu hộ cứu nạn đi kèm bởi tàu cao tốc có tốc độ di chuyển rất lớn, cần có phương tiện cứu hộ dự phòng hiện đại đồng bộ để tăng cường hiệu quả công tác cứu hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao thông đường thuỷ chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO