Giáo viên phổ thông: Đừng chỉ truyền thụ kiến thức máy móc

Th. Anh 19/10/2016 14:00

Do những yêu cầu mới trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, nên việc đổi mới giáo dục có thể xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bức thiết. Vị trí, vai trò của giáo viên hiện nay, không chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là thúc đẩy được quá trình học tập của học sinh.

Không đặt nặng truyền thụ kiến thức

Lâu nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, đa phần các giáo viên phổ thông vẫn còn nặng nề tư duy cũ, chỉ truyền thụ kiến thức theo kiểu nặng về lý thuyết cho học sinh mà không có ý thức tự học, sáng tạo, đổi mới cách dạy, khiến bài giảng trở nên khô khan, thiếu sức hấp dẫn.

Trong khi, yêu cầu đổi mới cách giảng dạy, làm sao để phát huy được hết năng lực, phẩm chất của học sinh đang được đặt ra mạnh mẽ trước bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Theo TS Trần Thị Hải Yến- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội): Nhiều tổ chức đã đưa ra đánh giá rằng, hiện nay vai trò của người giáo viên đã có sự thay đổi. Họ phải đảm nhận nhiều chức năng hơn trước, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục; chuyển mạnh từ chức năng truyền thụ kiến thức sang tổ chức việc học của học sinh, sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội; coi trọng hơn việc cá biệt hóa hoạt động học, thay đổi tính chất trong quan hệ thầy trò; yêu cầu sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại…

Từ thực tế đó nên cũng đòi hỏi giáo viên phải có những năng lực mới. TS Trần Thị Hải Yến cho rằng: Bên cạnh ý thức của mỗi giáo viên muốn thực hiện được những yêu cầu về năng lực mới, phải có sự đổi mới trước hết ở cách đào tạo giáo viên, cách bồi dưỡng giáo viên và điều chỉnh, phát triển chuẩn đào tạo giáo viên theo yêu cầu mới.

Đây cũng là quan điểm của ThS Trần Thị Kim Liên, Trường ĐH An Giang. ThS Kim Liên đưa ra nhận định: Việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên là rất cần thiết trong công cuộc đổi mới giáo dục. Và kinh nghiệm giảng dạy là một trong những yếu tố tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên.

Giáo viên cần có năng lực gì?

TS Trần Thị Hải Yến tiếp tục chia sẻ: Năng lực dạy học của giáo viên bao gồm rất nhiều nhóm năng lực thành phần. Trong đó có nhóm năng lực xây dựng kế hoạch dạy học như xác định mục tiêu dạy học; xác định các nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng kế hoạch dạy học; lựa chọn, sắp xếp bổ sung nội dung dạy học từ sách giáo khoa và các nguồn tài liệu; sử dụng phương pháp dạy học phù hợp… Nhóm năng lực thứ hai là nhóm năng lực triển khai các hoạt động dạy học.

Theo đó, cần biết cách áp dụng các hình thức tổ chức dạy học, sử dụng kĩ thuật dạy học, phương pháp dạy học tích cực phù hợp với đặc trưng bộ môn, với từng bài dạy và trên từng đối tượng học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần có năng lực kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh hoạt động dạy học. Nghĩa là phải biết quan sát, nhận xét các hoạt động học tập, xác định kết quả học tập của học sinh trên cơ sở đối chiếu với chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ của người học, giúp điều chỉnh kịp thời việc dạy và học một cách hiệu quả.

Để thực hiện được những năng lực nêu trên, bà Yến đưa ra một số giải pháp: Trước tiên, phải đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo giáo viên từ trong các trường sư phạm, chuyển hướng từ lối truyền thụ kiến thức một chiều, ghi nhớ máy móc sang tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học, phát huy tính chủ động, sáng tạo theo phương châm “giảng ít, hiểu nhiều”…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo viên phổ thông: Đừng chỉ truyền thụ kiến thức máy móc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO