Góc nhìn báo chí với vấn nạn gỗ lậu: Bức tranh chưa hoàn thiện

Nhật Minh 17/12/2015 09:06

Gỗ lậu là mối quan tâm lớn của báo giới trong những năm qua, tuy nhiên, vai trò của báo chí trong việc đẩy lùi vấn nạn này vẫn chưa thực sự nổi bật. Đó là nhận định của giới chuyên gia trong ngành, DN và các nhà báo tại buổi tọa đàm “Gỗ lậu qua góc nhìn báo chí” do Trung tâm Con người và thiên nhiên (Forest Trends) tổ chức sáng 16/12 tại Hà Nội. 

Vấn nạn khai thác gỗ trái phép gây nhức nhối dư luận.

Phản ánh vấn nạn, thực trạng gỗ lậu chính là một trong những chủ đề được báo giới quan tâm trong thời gian qua và báo chí đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống gỗ lậu, góp phần bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về hiệu quả của truyền thông báo chí trong việc phòng chống gỗ lậu và bảo vệ rừng.

Báo cáo Gỗ lậu tại Việt Nam qua góc nhìn báo chí: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Forest Trends cho biết, trong 3 năm (2011-2013), có khoảng 1.300 bài báo viết về chủ đề gỗ lậu ở cả báo điện tử cũng như báo giấy, cho thấy các cơ quan báo chí đã có sự quan tâm lớn đối với chủ đề này.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Việt Quang, thành viên của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Forest Trends, các bài báo mới chỉ tập trung ở dạng cung cấp thông tin về các vụ buôn lậu gỗ mà chưa có những phân tích nguyên nhân một cách sâu xa, mang tính chất hệ thống của vấn đề này. Số lượng các bài báo đưa ra kiến nghị để giảm thiểu hoặc chấm dứt tình trạng gỗ lậu hiện nay rất hạn chế.

Trong số 1.315 bài báo viết về thực trạng này thì có tới 59% số bài chỉ đơn thuần mô tả hoặc đưa tin về thực trạng gỗ lậu, 40% số bài đề cập thực trạng và nguyên nhân và chỉ có 1% đề cập cả thực trạng, nguyên nhân và giải pháp.

“Một số bài báo nếu có đề cập đến các giải pháp nhưng chủ yếu dựa vào kiến nghị của các cơ quan quản lý như tăng cường thực thi pháp luật, xử lý đối tượng vi phạm. Nói cách khác, các giải pháp thường theo hướng siết chặt quản lý” – ông Quang nhận định.

Nhóm nghiên cứu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Bức tranh tổng thể về chủ đề gỗ lậu được phản ánh bởi các cơ quan báo chí đã cung cấp cho độc giả một góc nhìn về tình hình gỗ lậu hiện nay, các nguyên nhân và giải pháp cần thực hiện. Tuy nhiên, bức tranh này lại không hoàn thiện, thậm chí méo mó trong một số trường hợp.

“Đơn cử như nhiều bài báo thường nêu lên kiến nghị rằng, cần tăng cường đội ngũ kiểm lâm để làm giảm vấn nạn khai thác gỗ trái phép, bừa bãi. Song cũng chính báo chí lại vạch ra những quan ngại về sự kết nối giữa lực lượng kiểm lâm và lâm tặc, vậy có nên tăng cường đội ngũ kiểm lâm hay không? Vì nếu tăng cường, chẳng khác nào làm gia tăng những hành vi trái phép giữa kiểm lâm và các đối tượng phạm pháp” – một chuyên gia của Forest Trends đặt câu hỏi.

Và chính sự phản ánh đôi khi “méo mó” của báo giới làm hạn chế nỗ lực chung của xã hội trong bảo vệ rừng, phòng chống gỗ lậu.

Chia sẻ thêm về một số thông tin mà báo chí gây “méo mó” ảnh hưởng đến hoạt động của DN ngành gỗ, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế báo chí cũng đã góp phần không nhỏ vào việc vạch trần thực trạng khai thác gỗ bừa bãi, làm “chảy máu” tài nguyên rừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số bài báo lại gây hoang mang dư luận.

Ông Hạnh đơn cử, một số báo nói việc khai thác và chế biến gỗ để xuất khẩu của các DN “tiếp tay” cho thực trạng khai thác gỗ lậu, chặt phá rừng trái phép. “Song, thực tế những tác giả của các bài báo viết như vậy là đã nhầm!” – ông Hạnh nhấn mạnh và khẳng định: “Việc chế biến và xuất khẩu gỗ không thể dựa vào vài tấn gỗ lậu, vì xuất khẩu gỗ cần đến hàng ngàn tấn. Và gỗ của chúng ta xuất khẩu bao giờ cũng phải có chứng nhận xuất xứ rõ ràng vì đó là yêu cầu của đối tác. Nếu không có chứng nhận xuất xứ, chứng minh gỗ đó là gỗ khai thác hợp pháp, lập tức bị trả lại ngay. Do đó, không bao giờ có chuyện DN chế biến gỗ có thể tiếp tay cho gỗ lậu, vì lượng gỗ đó không thể tiêu thụ được.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến của các DN, chuyên gia, báo giới cũng cho rằng, bức tranh về gỗ lậu được tạo ra từ các kênh báo chí hiện nay vẫn là bức tranh chưa thực sự hoàn thiện và còn khá nhiều lỗ hổng. Lỗ hổng đó thể hiện ở việc thông tin còn hạn chế, chưa phản ánh được quy mô và bản chất thực sự của vấn đề.

Và để có thể “lấp đầy” những “lỗ hổng” này, nhóm nghiên cứu của Forest Trends nêu quan điểm, cần tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học với báo giới, tạo nguồn và củng cố thông tin tin cậy cho phóng viên, nhà báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc nhìn báo chí với vấn nạn gỗ lậu: Bức tranh chưa hoàn thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO