Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài 2: Hải sản rớt giá, du lịch đìu hiu

Xuân Thi 25/08/2016 07:05

Khác với không khí tấp nập, trên bến dưới thuyền cách đây nửa năm, sáng sớm 24/8, chợ cá Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại hiu hắt buồn. Chỉ có một nhóm người ngồi trên cát mắt trông về phía biển. Nơi lác đác có một chiếc thuyền nan cập bờ mang theo một ít hải sản đánh bắt được sau một đêm lênh đênh trên biển.

Số cá ít ỏi vừa đánh bắt được của ngư dân Quảng Bình.

Chưa thể yên tâm

Lặng lẽ bên chiếc thuyền nan, ngư dân Hoàng Quỳ (65 tuổi) ở thôn Nhân Quang (xã Nhân Trạch) mắt đăm đăm nhìn ra biển mà lòng xót xa. Gần 5 tháng qua, hàng trăm chiếc thuyền nan ở 2 thôn Nhân Quang và Nhân Nam đã nằm bờ. Bởi từ sau vụ cá chết hàng loạt, người tiêu dùng không mặn mà với cá từ biển nên ngư dân đành lòng ngồi ở nhà.

Không đi biển thì nhớ, thì đói nên một số ngư dân ở Nhân Trạch “đành liều” giong thuyền ra khơi với hy vọng kiếm được nhiều cá, mực. Sau một đêm lênh đênh trên biển, thuyền của ông Hoàng Hùng cập bờ với gần 1 tạ cá đốm và 5 yến cá trích. Nếu như trước đây, khi biển chưa bị nhiễm độc, thì với số cá này, ông Hùng cũng thu được hơn 10 triệu đồng. Nhưng giờ đây, với giá bán rẻ bằng 1/5 nên ông chỉ thu được 2 triệu đồng để chi trả tiền dầu, tiền đi bạn...

Chúng tôi trở lại xã biển Cảnh Dương, (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vào giữa trưa của ngày nắng gắt. Dọc con sông Loan nhiều tàu thuyền neo đậu sau những chuyến ra khơi. Bên chân sóng, ngư dân Trương Văn Tiến ở thôn Trung Vũ (xã Cảnh Dương) nói: Trước đây, mỗi chuyến ra khơi khoảng 3-5 ngày, tàu của tôi cũng thu được bình quân 30-35 triệu đồng, có chuyến thu gần 70 triệu đồng. Nhưng mấy tháng nay, thủy sản đánh bắt ở ngư trường gần bờ rất ít, đã thế khi cập bến, thương lái thu mua bằng một phần tư giá so với trước nên ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân. Chúng tôi mong muốn, các cơ quan chức năng cần phải sớm công bố rõ hải sản có còn nhiễm độc nữa không, vùng nào được đánh bắt, vùng nào không? Vì hiện nay, người dân vẫn chưa dám ăn hải sản, ngư dân chưa thể yên tâm bám biển để sản xuất.

Chợ cá ế ẩm, vắng người mua

Chúng tôi đến chợ cá Cảnh Dương, nơi trước sự cố môi trường biển luôn luôn nhộn nhịp hoạt động mua bán hải sản. Nay, dọc dài các điểm bán hải sản nhưng không có người mua nên tiểu thương ngao ngán lắc đầu nhìn nhau. Chị Nguyễn Thị Huế, người buôn bán cá nhiều năm ở chợ cho biết “Sau khi xảy ra hiện tượng cá biển chết hàng loạt, tình hình buôn bán rất ế ẩm. Nhiều loại hải sản như mực, cá thu, cá mú, ngày thường bán rất đắt hàng, nhưng chừ chú coi cả một dãy dài vắng bóng những người mua”.

Buôn bán thua lỗ, vắng khách mua nên nhiều chị, nhiều cô buôn bán hải sản ở các chợ đã chuyển sang làm những công việc khác để mưu sinh. Chúng tôi gặp lại chị Hoàng Thị Bắc, người có nhiều năm buôn bán cá ở chợ Đồng Hới khi chị đang đi làm phụ hồ xây dựng. Chị chia sẻ: “Buôn bán cá không ai mua nên o xin đi làm thợ hồ một ngày thu nhập cũng được 200 ngàn đồng để lo tiền học hành, sách vở cho các cháu đầu năm học”.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn khi hải sản thu mua không buôn bán được, nhiều doanh nghiệp thu mua cá ở Quảng Bình cũng đang lâm vào tình trạng tồn kho đông lạnh khoảng 2.000 tấn cá. Họ là những đầu mối thu mua sản phẩm hải sản của ngư dân và các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở cảng Gianh và Nhật Lệ nhưng chưa tìm được thị trường tiêu thụ.

Bà Trương Thị Mười, Phó giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, có kho đông lạnh ở cảng cá Nhật Lệ chia sẻ: Trước thời điểm cá chết hàng loạt, công ty đã mua vào 260 tấn cá các loại. Tiếp đó, công ty bà vay thêm 18 tỷ đồng để thu mua 400 tấn cá giúp ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhưng do không bán được cá nên đến nay, hàng tháng công ty đang bỏ ra gần 500 triệu đồng để trả cho các kho lạnh mình gửi hàng, tiền điện duy trì kho lạnh của mình, rồi tiền lãi ngân hàng, tiền nhân công…

Không chỉ có doanh nghiệp Đức Hiếu mà nhiều doanh nghiệp thu mua cá khác như Công ty xuất nhập khẩu An Bình (ở xã Thanh Trạch, Bố Trạch); doanh nghiệp tư nhân Dũng Đức Tài (ở Đồng Hới)... cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn do tồn động cá thu mua của ngư dân.

Du lịch biển vắng lặng

Không chỉ hải sản ế ẩm mà tại các bãi tắm ở Bảo Ninh, Quang Phú (TP Đồng Hới), cũng vắng khách. Dọc theo bờ biển Quang Phú, các nhà hàng phục vụ hải sản ven bờ biển vắng lặng, đìu hiu không một bóng người… Anh Mai Xuân Lực (chủ một nhà hàng) buồn rầu nói, trước đây vào mùa du lịch từ sáng đến chiều tối, biển có đông nghịt người đến vui chơi tắm biển, ăn hải sản nhưng chừ thì chỉ có vài người đến hóng gió rồi về.

Trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, tại bờ biển Bảo Ninh luôn nườm nượp khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển và sử dụng hải sản. Thế nhưng, mùa du lịch năm nay, tại các bãi tắm luôn vắng khách, các nhà hàng thưa thớt bóng người.

Chị Nguyễn Thị Anh Đào, chủ nhà hàng tại Quảng trường biển Bảo Ninh cho biết: Sự cố cá biển chết khôg chỉ làm gia đình chị không có thu nhập mà phải mang thêm nợ ngân hàng. Bởi trước đó, chị đã vay 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà hàng và mua dự trữ thêm hải sản tươi sống. Tuy nhiên, sự cố môi trường đã khiến nhà hàng của chị không có khách, các đơn đặt hàng đều từ chối để chuyển đến nơi khác.

Bên cạnh các nhà hàng hải sản đìu hiu vắng khách thì các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Quảng Bình cũng lao đao trước sự cố môi trường biển. Công ty TNHH Vương Thuận (Đồng Hới) dự kiến khai trương khách sạn Biển Vàng với mức đầu từ 260 tỷ đồng vào tháng 6/2016 thì đành phải hoãn lại.

Ông Bùi Xuân Vương, Giám đốc công ty cho biết “Mỗi tháng công ty phải gánh gần 2 tỷ tiền lãi từ ngân hàng, trong khi đó doanh thu của khách sạn chưa được một đồng nào. Chúng tôi mong muốn ngân hàng cho hoãn nợ gốc để doanh nghiệp bớt khó khăn”.

Lượng khách giảm, số tour bị hủy đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Tiến Thành, Phó tổng giám đốc Công ty THNH MTV Du lịch Trường Thịnh cho biết “Từ đầu năm đến nay, lượng khách giảm 70% so với cùng kỳ”.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, trong 6 tháng của năm 2016, lượng khách trong nước và quốc tế đến địa phương chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm hơn 38% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng lượng khách đến thành phố Đồng Hới giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 4000 lao động trực tiếp, 7.300 lao động gián tiếp và 30.000 người làm trong các ngành dịch vụ du lịch Quảng Bình đang phải gánh chịu tác động của sự cố xả thải gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa Hà Tĩnh.

Hỗ trợ và tạo sinh kế lâu dài cho ngư dân

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình cũng như 3 tỉnh khác bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đã triển khai các phương án hỗ trợ ngư dân. Cụ thể như tăng thời gian hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng từ 1,5 tháng lên tối đa 6 tháng, bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là diêm dân; các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất để khắc phục khó khăn...

Riêng tỉnh Quảng Bình đã trích ngân sách cấp 500 tấn gạo cho ngư dân các xã ven biển; ban hành chính sách hỗ trợ 20% giá cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản đánh bắt xa bờ của tàu trong tỉnh; trích 17,013 tỷ đồng từ nguồn Dự phòng thuộc ngân sách tỉnh năm 2016 để hỗ trợ cho các tàu, thuyền đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra khơi khai thác hải sản...

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương chuẩn bị phương án tổ chức đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân khai thác ven bờ để làm thuyền viên cho các tàu khai thác xa bờ; chính sách tín dụng cho ngư dân như hỗ trợ một phần lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với người vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, dịch vụ thủy sản, dịch vụ du lịch ven biển và nuôi trồng thủy sản, chính sách miễn, giảm thuế đối với kinh doanh dịch vụ du lịch biển...

Lập Ban chỉ đạo về giải pháp ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường gồm 19 thành viên do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban.
Các thành viên khác gồm Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Công an; Văn phòng Chính phủ; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế.
Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (giải pháp ổn định đời sống). Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chủ động đề xuất về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống. Căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ổn định đời sống được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp ổn định đời sống theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; quyết định việc thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thống kê, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Thành phần Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổ trưởng, đại diện một số bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế.

H.Diên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu sự cố môi trường biển Bắc miền Trung - Bài 2: Hải sản rớt giá, du lịch đìu hiu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO