Học đường xuống cấp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Phương Linh 25/10/2016 09:18

Trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một học sinh trường THCS Quảng An (Hà Nội), do ngăn nữ sinh bị đánh hội đồng đã bị nhóm côn đồ đánh lại phải nhập viện, dẫn đến tử vong.

Hay câu chuyện nhận được nhiều sự quan tâm nhất là việc một nữ sinh ở Khánh Hòa lên facebook kêu gọi mọi người “like” với nội dung “đủ 1.000 like” thì sẽ đốt trường gần nơi mình sống. Và nữ sinh đã mua xăng về đốt trường thật, khiến chính bản thân bị bỏng và ảnh hưởng tới cơ sở vật chất nhà trường.

Cũng là câu chuyện xảy ra với những em học sinh còn ít tuổi, tại Nghệ An đầu tháng 10 vừa qua đã có cuộc ẩu đả giữa các học sinh nữ với nhau, chỉ vì lí do “nhắn tin qua facebook mà không trả lời”.

Những vụ việc kể trên đã cho thấy sự xuống cấp về văn hóa trong một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là những học sinh THCS, THPT còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Đánh giá về những vụ việc bạo lực học đường, suy đồi đạo đức trong lớp trẻ vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định rằng: Để làm tốt công tác giáo dục đạo đức học sinh, cần sự hỗ trợ của cộng đồng, gia đình, xã hội.

Nhưng trước tiên, vai trò ngành giáo dục phải thực hiện tốt. Phải làm tốt công tác giáo viên chủ nhiệm, gần gũi, quan tâm học sinh, tạo cầu nối gia đình, nhà trường, xã hội.

Nói về những vụ việc đau lòng trên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định: Vấn đề văn hóa trong nhà trường không phải mới nhưng là vấn đề dư luận rất quan tâm. Cho nên song song với dạy văn hóa thì vấn đề rèn luyện đạo đức cho học sinh cần phải được quan tâm.

Ông Hoàn cũng nhận trách nhiệm: Khi có sự việc học sinh vi phạm đạo đức xảy ra, chúng tôi thấy rằng trước hết trách nhiệm ở ngành giáo dục. Những người thầy, người cô chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Cũng ở vụ việc học sinh đánh nhau tại Quỳnh Lưu, ông Hoàn cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở cũng đã ban hành văn bản yêu cầu phòng GD&ĐT Quỳnh Lưu báo cáo Ủy ban, từ đó cùng cơ quan chức năng xác minh để làm rõ nội dung các em vi phạm, đồng thời tiến hành xem xét kỷ luật.

Ông Hoàn cho rằng, những vụ việc xuống cấp về văn hóa như đánh nhau dẫn đến tử vong, hay đánh nhau ở học sinh nữ, “câu like” qua facbook, đánh nhau do facebook… có thể cách đây vài năm không có, nhưng do tác động của ngoại cảnh hiện nay đã xảy ra. Vì vậy tùy theo từng diễn biến sự việc sẽ có biện pháp, giải pháp chỉ đạo kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học đường xuống cấp: Trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO