Học trường nghề: Không lo thất nghiệp?

Thu Hương 22/10/2016 11:16

Thống kê từ Bộ LĐTB&XH cho biết, tính đến quý II/2016, cả nước có 191 nghìn người có trình độ từ ĐH trở lên thất nghiệp. Có nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng thừa thầy thiếu thợ và nghịch lý chọn ngành, nghề “hot” như quản trị kinh doanh, kinh tế trong khi thị trường đang dư thừa. Từ độ vênh giữa công tác đào tạo và nhu cầu tuyển dụng, nhiều trường đã chọn cho mình lối đi riêng với mục tiêu: 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm.

Phòng học tích hợp khoa điện - điện tử Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội.

Những con số “biết nói”

PGS.TS Trần Đức Quý- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, mỗi năm nhà trường cung cấp cho thị trường lao động trên 10 nghìn kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên. Trong đó, tỷ lệ có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp hàng năm luôn đạt trên 82%. Như năm học 2015-2016 vừa qua, khảo sát nhanh trước buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp đã có 55-60% sinh viên chưa ra trường đã tìm được việc làm.

Tương tự, TS Phạm Xuân Khánh- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đến tháng 3/2016 là trên 95% (trong đó có trên 75% sinh viên có việc làm trước khi ra trường). Nhiều nghề 100% có việc làm. Kinh nghiệm của trường là tổ chức đào tạo theo mô đun, giảng dạy lý thuyết gắn liền với rèn luyện kỹ năng tay nghề thực tập kết hợp với sản xuất và kinh doanh dịch vụ.

“Chúng tôi chủ trương thực hiện mỗi bài học là một công việc, mỗi môn học là một sản phẩm. Bên cạnh đó, nhà trường có liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để tổ chức đào tạo, thực tập tại doanh nghiệp. Nhiều sinh viên sau thời gian thực tập tại các doanh nghiệp được tin tưởng giữ lại làm việc với mức lương mà nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đi làm vài năm cũng mơ ước”- TS Khánh cho biết.

Hiện nay, tất cả các phòng học chuyên môn của trường đều là phòng học tích hợp, bảo đảm vừa học lý thuyết vừa học thực hành. Đặc biệt, có nhiều thiết bị sản xuất thực tế trong các doanh nghiệp, bảo đảm vừa học vừa sản xuất làm ra sản phẩm. Hàng năm, sinh viên của trường tham gia các hội thi tay nghề các cấp đều đoạt giải cao. Mục tiêu của Trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội là 100% sinh viên đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm.

Thoát ra khỏi định kiến

Học đại học mới oai. Thậm chí nếu tổng điểm thi THPT Quốc gia là 18 thì cố gắng phải nộp hồ sơ vào trường ĐH lấy 18 điểm trở lên chứ nếu đỗ vào trường 15 điểm là thiệt đang là suy nghĩ sai lầm của nhiều bậc phụ huynh trong việc định hướng cho con chọn ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Thực tế tuyển sinh mấy năm gần đây cho thấy một số thí sinh vì trượt nguyện vọng 1 nên quyết định theo học ngành ở nguyện vọng 2,3 mà nhiều khi không phải là ngành yêu thích dẫn đến tâm lý học chán nản, không hứng thú và câu hỏi “sau 5 năm nữa bạn là ai” trở nên bế tắc.

Theo ThS xã hội học Trần Nam (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM), không có xã hội công nghiệp nào lại không cần người có tay nghề cao. Việc mạnh dạn chọn học nghề thay vì vào ĐH như một số bạn trẻ hiện nay cho thấy đã thoát ra được định kiến của xã hội.

Thậm chí, không ít cử nhân, kỹ sư đã mạnh dạn cất tấm bằng đỏ đi để học lại nghề đúng với nguyện vọng, sở thích và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động đang thiếu. Tuy nhiên, nếu chọn học nghề thì cũng phải học nghề bài bản, đàng hoàng, nghĩa là tinh thông nghề nghiệp thì mới thu hút được các doanh nghiệp tuyển dụng.

Còn nếu để trụ được lâu dài, theo một chuyên gia tư vấn việc làm, vấn đề “thái độ quan trọng hơn kỹ năng”. Vì những kiến thức nền thì có thể học được qua bất kỳ trường lớp nào nhưng sự cần cù, khả năng sáng tạo cũng như thái độ với những người xung quanh mới là yếu tố quyết định nhà tuyển dụng có giữ bạn lại hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học trường nghề: Không lo thất nghiệp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO