Kê khai y tế - Trách nhiệm với cộng đồng

Nguyên Khánh 15/03/2020 07:30

Từ ngày 10/3, ứng dụng khai báo y tế toàn dân nCoV do Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Y tế công bố đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Google Play, dành cho những người dùng điện thoại hệ điều hành Android. Theo đó chỉ cần một cú kích chuột, người dân có thể tự giác kê khai những thông tin sức khỏe của mình. Việc kê khai y tế, sẽ góp phần đẩy lùi virus nguy hiểm gây dịch bệnh mang tên Covid 19 hiện đang khiến cả thế giới chao đảo.

Kê khai y tế - Trách nhiệm với cộng đồng

Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) thực hiện kê khai tờ khai y tế đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Vì mình và vì cộng đồng

Không chỉ chờ đến ứng dụng khai báo y tế toàn dân vận hành, trước đó ngày 9/3, tại Quảng Ninh, tỉnh này đã triển khai kê khai y tế trên địa bàn. Cụ thể, từ ngày 9/3, tất cả các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ việc kiểm tra thân nhiệt, giám sát các biểu hiện bất thường về sức khỏe của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động. Đặc biệt, tại TP Hạ Long, tất cả công dân sinh sống trên địa bàn thành phố này kể cả tạm trú, khách vãng lai đều được nhân viên Y tế tiến hành đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, toàn bộ người dân phải khai báo y tế nhằm sàng lọc các nguy cơ liên quan tới dịch Covid-19.

“Trong đợt này, bệnh viện Bãi Cháy cử 21 bác sỹ, điều dưỡng đi hỗ trợ cho 4 phường của thành phố Hạ Long. Mục đích của khảo sát nhằm sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm. Chủ yếu tập trung khai thác các triệu chứng ban đầu ho, sốt, khó thở. Ngoài ra bên y tế sẽ khai thác các tiền sử dịch tễ như trong 14 ngày có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm hay không”- bác sỹ Phạm Thanh Quang, Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Bên cạnh đó, thành phố Hạ Long cũng phối hợp với các cơ sở Y tế như: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa Hạ Long kiểm tra sức khỏe cho hơn 300.000 người dân trong vòng 4 ngày.

Chị Nguyễn Thị Linh ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long cho biết, đang trong mùa dịch này nên mong mọi người cần phải trung thực, phối hợp tốt với cơ quan chức năng, khai báo trung thực vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cũng là trách nhiệm với xã hội. Việc kê khai y tế là cần thiết để phòng bệnh cho chính mình và cộng đồng. Chị Linh hy vọng, việc kê khai y tế sẽ nhanh chóng triển khai trên toàn quốc để chặn đứng dịch bệnh đang làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Chỉ một cá nhân chủ quan sẽ gây hậu quả cho cả cộng đồng

Trong chống dịch Covid 19 những ngày qua, vả kể cả những đại dịch mà Việt Nam đã từng gặp trước đây, để chiến thắng “giặc” dịch bệnh không thể không kể đến tinh thần đoàn kết, sự chung sức, chung lòng của toàn dân. Theo đó, hầu hết người dân đều tuân thủ, thực hiện nghiêm túc những điều mà các cơ quan chức năng kêu gọi, yêu cầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ một cách nghiêm túc như vậy. Cụ thể trường hợp bệnh nhân số 17 dù đã biết mình có thể nhiễm bệnh sau khi đi du lịch qua vùng dịch nhưng vẫn cố tình kê khai không trung thực trong tờ khai y tế khiến hậu quả là rất nhiều người đã bị lây, nhiễm bệnh là điều đáng buồn thời gian vừa qua.

Cô gái này khiến người ta liên tưởng tới bệnh nhân 31 ở Hàn Quốc - một “tội đồ siêu lây nhiễm” mà sự chủ quan, ý thức kém của cá nhân đó đã khiến Hàn Quốc thành ổ dịch lớn chỉ sau Trung Quốc, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong xã hội, cộng đồng.

Không ai muốn mình nhiễm bệnh rồi lây ra cho nhiều người, nhưng ý thức kém và cách hành xử thiếu trách nhiệm của cô gái nói trên đang gây ra hậu quả cho toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có những thành quả được quốc tế ghi nhận trong chống dịch Covid-19. 16 ca nhiễm đã được chữa khỏi, tâm dịch Sơn Lôi vừa được dỡ bỏ phong tỏa, 22 ngày qua không có ca nhiễm mới, công tác cách ly phòng dịch được thực hiện hiệu quả.

Tới ca bệnh thứ 17, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng lại phải căng mình bước vào cuộc chiến nghiêm trọng hơn. Giới chức hữu quan phải lần theo hành trình của cô gái, tìm cho ra cả trăm người đã tiếp xúc với người này. Khu vực cô gái sống đã bị phong tỏa. Hàng chục người tiếp xúc gần như bác sĩ khám bệnh, thành viên gia đình… đã được cách ly.

Cuộc chiến vốn đã gian nan, nay lại càng khó khăn hơn chỉ vì ý thức của một cá nhân. Chúng ta từ chỗ chủ động trong cuộc chiến với Covid-19 nay dường bất ngờ vì cú “đánh úp” của bệnh nhân 17. Với kinh nghiệm chống dịch nhiều năm, ngay sau đó chúng ta đã giành lại thế chủ động, lập tức tổ chức phong tỏa, tìm kiếm những người liên quan để cách ly, khống chế dịch bệnh không để lây lan. Song cuộc chiến đó gian nan hơn và tốn công sức hơn.

Hành động chủ quan, vô ý thức của một cá nhân có thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội. Trong lúc tình hình chống dịch bệnh cấp thiết, không khác gì chống “giặc”, sự chung tay, đồng lòng, góp sức của mỗi công dân với chính quyền là vô cùng cần thiết, là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành bại trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19.

Xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh gây lây nhiễm trong cộng đồng

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam việc hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam là chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch.

Tuy nhiên, việc kê khai y tế thế nào để tránh hình thức và đó phải là căn cứ quan trọng để phòng chống dịch một cách hiệu quả điều này không thể và không chỉ trông chờ vào sự tự giác của mỗi người. Do đó, cần có hình thức xử lý thật nghiêm minh với những trường hợp kê khai sai, gây hậu quả nghiêm trọng trong cộng đồng.

Cụ thể, theo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, có 7 nhóm hành vi bị cấm gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định hoặc không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Chiếu theo quy định của luật, trường hợp bệnh nhân số 17 và một số trường hợp khác có hành vi che giấu thông tin, không khai báo y tế, khai báo không đúng..., tùy từng trường hợp có thể bị xử hành chính hoặc truy cứu hình sự.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao giao Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp trình chế tài xử phạt những trường hợp này theo thủ tục rút gọn, bảo đảm nhân văn nhưng cũng phải đủ sức răn đe. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Trong cuộc chiến chống Covid 19, virus không nhìn thấy được; ý thức cũng không nhìn thấy được. Nhưng khác là ta có thể kiểm soát được ý thức của chính ta. Ta có thể dùng sức mạnh ý thức để biến thành hành động hữu hình trong cuộc chiến chống virus. Đó là gì? Là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, là rửa tay để phòng chống virus, là tránh tụ tập nơi đông người… Là khai báo hành trình đi lại, khai báo y tế trung thực liên quan đến sức khỏe chính mình, có như vậy mới góp phần chống dịch hiệu quả.

Kê khai y tế - Trách nhiệm với cộng đồng - 1

Ông Trần Đắc Phu.

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Cách ly y tế để bảo vệ sức khoẻ chính mình, gia đình và cộng đồng

Chúng ta cần kê khai thông tin y tế đầy đủ, trung thực, khai báo y tế kịp thời cho cơ quan chức năng, chủ động cách ly và thực hiện cách ly y tế để bảo vệ sức khoẻ chính mình, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề khai báo y tế trung thực phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Chẳng hạn với bệnh nhân số 17 nếu ca bệnh trên kê khai trung thực từng đi qua Italy, có biểu hiện ho, đau mỏi người… thì sẽ được cách ly ngay. Để hạn chế những trường hợp khai báo không trung thực, cá nhân bị phát hiện hành vi khai man tờ khai y tế sẽ phải thực hiện cưỡng chế cách ly. Kèm theo đó, người này sẽ chịu xử phạt về việc khai báo dịch bệnh truyền nhiễm (được quy định trong Luật Truyền nhiễm, NĐ 176 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kê khai y tế - Trách nhiệm với cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO