Khi học trò mê 'phây'

Mai Anh 30/10/2016 13:05

Sau những báo động về nhiều loại chất gây nghiện mới như ma túy tem, bóng cười... thì người ta lại lo lắng về một biểu hiện nghiện mới: “phây”- facebook. Không ít người cho rằng phải cấm học trò “chơi phây”, nhưng ý kiến ngược lại cho rằng không cấm mà quan trọng là giải pháp phù hợp.

Ảnh minh họa.

Một kiểu của hành vi nghiện mới

Sự phát triển của các mạng xã hội, giúp con người kết nối với nhau tốt hơn, facebook là một trong số đó. Theo một nghiên cứu xã hội học, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam dùng facebook, trong đó phần đồng là học sinh, sinh viên. Đáng ngại ở chỗ khá nhiều em học sinh dùng “phây” ở mức độ như hít thở không khí. Không có không chịu nổi.

Kiều Trang (lớp 12 trường PTTH Việt Đức-Hà Nội) sử dụng Facebook khoảng hơn 3 năm nay. Em cho biết: Em thường em sử dụng 3-4 tiếng mỗi ngày để giao tiếp với bạn bè, thời điểm cụ thể là sau giờ đi học về, trước lúc đi ngủ, cũng có thể lúc đang ăn cơm. Facebook giúp em nói chuyện cùng lúc với nhiều người, chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của mình. Ngoài ra là khoe những điều mới của mình, của gia đình. Cả lớp em ai cũng dùng facebook.

Facebook ngoài việc liên lạc cũng là nơi để khoe với bạn bè bộ quần áo mới, đôi giày mới, khoe những nơi mình từng đi đến để các bạn comment chia sẻ. Sỹ Minh- học sinh lớp 8 (Trường THPT Quỳnh Mai) cho biết.

Nhưng như Minh xác nhận thì trong giờ học trên lớp cũng có nhiều bạn ham quá, ngồi như bất động, ảnh hưởng đến học tập của chính mình và các bạn. Thậm chí những cuộc đi chơi chung, hay liên hoan lớp cũng bị loãng đi vì mỗi bạn một cái điện thoại mải miết facebook.

Thế giới mạng với những tính năng hiệu quả trong việc tương tác đã trở thành nơi học sinh có thể thoải mái “xả” những bức bối, khó chịu của mình về trường, lớp, bạn bè, thậm chí với cả giáo viên.

Em Phạm Thuý Hiền- lớp 9 (Trường PTCS Minh Khai) xác nhận mình đã từng lên facebook để bày tỏ sự khó chịu với bạn gái khác, thậm chí đã có những cuộc cãi vã nặng nề trên mạng dẫn đến từ mặt nhau, thậm chí là đánh nhau.

Nếu một ngày không dùng facebook? Minh Hằng- học sinh lớp 10 Trường PTTH Hai Bà Trưng cho biết là rất khó chịu, bức bối vì nó thân thiết đến mức không thể thiếu như hàng ngày con người phải ăn uống và hít thở không khí.

Mới đây, Khoa Tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM đã có cuộc khảo sát 600 trẻ vị thành niên thì có hơn 97% trẻ đang sử dụng Facebook. Trong số đó có 56,3% ở mức có xu hướng nghiện, 37,5% ở mức nghiện nhẹ, 0,4% ở mức nghiện vừa và 0,2% ở mức nghiện nặng.

Có thể nói sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội. Không ít người trẻ mải mê đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành.

Mong được nhiều người quan tâm đến những gì mình bày tỏ, chia sẻ, nhiều học sinh rơi vào trạng thái sống ảo, lệ thuộc cảm xúc từ facebook rồi dẫn đến lẫn lộn giữa đời sống thực và mạng.

Đó là chưa kể hàng loạt sự lệch chuẩn hành vi, như lên facebook chửi mắng thầy cô, kết bè kết phái và gây sức ép đối với bạn bè khác. Sử dụng facebook để đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, hiện tượng “nói là làm” thách đố nhau diễn ra gần đây.

Điển hình là việc nữ học sinh thực hiện lời hứa “status đạt 1.000 like” trên facebook sẽ đốt trường ở Khánh Hòa. Theo em này thì bất kể lúc nào em cũng lang thang trên mạng, khi chẳng có gì đưa lên facebook thì thấy buồn bực, khó chịu như thiếu một cái gì đó để thỏa mãn nên đã nghĩ đến việc đốt trường để thu hút sự chú ý của người khác.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn- Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng xét trong những hành vi nghiện, hành vi nghiện facebook có thể là một kiểu của hành vi nghiện mới. Xét trên bình diện độ tuổi và nhân cách của con người, hành vi nghiện này sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với hoạt động học tập của học sinh.

Theo ông Sơn, biểu hiện của hành vi nghiện facebook thường là khi sử dụng lâu hơn dự định; cố gắng thoát khỏi facebook mà không thể thực hiện được; luôn nghĩ về các sự kiện và hình ảnh trong đó khi không sử dụng; tìm đến facebook như một trang nhật ký cá nhân và hơn thế nữa; tiếp tục sử dụng bất chấp những hậu quả như suy giảm sức khỏe, sa sút học tập, thậm chí có nguy cơ mất việc hoặc gãy đổ các mối quan hệ gia đình, bạn bè; có những trạng thái cảm xúc bất lợi khi không được sử dụng facebook.

Quản thế nào?

Ở góc độ quản lý, hiện ngành giáo dục chưa có quy định học sinh phải sử dụng facebook ra sao. Song điều đáng lo ngại là hệ lụy của facebook không dừng trong thế giới ảo. Đơn giản nhất là cãi nhau, đánh nhau, xúc phạm thầy cô giáo, phản đối nhà trường, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Đứng trước thực trạng này, ngay từ rất sớm, tháng 1-2013, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) là trường đầu tiên ở Việt Nam đưa ra những quy định khi lên facebook dành cho học sinh với những quy đinh khá nghiêm ngặt. Sau đó, một số trường cũng đưa ra những điều cần lưu ý học sinh khi lên facebook.

Bàn về việc có nên cấm học sinh sử dụng facebook dù nhiều lãnh đạo nhà trường cho rằng, cấm không phải thượng sách nhưng PGS.TS Văn Như Cương- Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh lại cho rằng có nhiều nguy cơ có thể xảy ra bắt nguồn từ mạng xã hội, nếu như không ngăn chặn thì sẽ khó giải quyết về sau. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều bậc phụ huynh.

Anh Phùng Thanh Tuyền (Hà Nội) chia sẻ: Thật khó kìm được sự bực mình khi đang trong bữa cơm cậu con trai đang học lớp 10 cứ dở điện thoại ra lướt facebook, hỏi con đến câu thứ 3 mà dường như nó vẫn không nghe thấy. Đã có lần anh phải giật phắt cái điện thoại trong tay con mém qua cửa sổ vì cu cậu quá ham facebook.

Về phía học sinh, hầu hết là phản đối, nhiều em mạnh dạn nói: Càng cấm càng dùng. Thậm chí có em học sinh lớp 10 Trường PTTH Đông Kinh) còn bật mí, chúng em có thể sử dụng nhiều nick ảo để lập facebook.

Trở lại việc định hướng cho học sinh việc sử dụng facebook sao cho phù hợp, theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chúng ta không chỉ trách cứ các bạn trẻ mà cần hiểu và đồng cảm. Đối với gia đình cần, định hướng và nhắc nhở con cái trong việc lựa chọn loại hình giải trí lành mạnh và sử dụng facebook một cách hợp lý. Ngoài ra, phụ huynh cũng thường xuyên trò chuyện với con từ đó hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình. Cũng như là cần có cách ứng xử và biện pháp can thiệp phù hợp hiệu quả khi con mình có biểu hiện nghiện mạng xã hội.

Về phía nhà trường phải tăng cường giáo dục tính hai mặt của các trang mạng xã hội, nhất là facebook vì trang mạng xã hội này đang được rất nhiều trẻ sử dụng và xem đây là trang giải trí hàng đầu. Và chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của học sinh về facebook.

Ngoài ra nhà trường cần tổ chức nhiều sân chơi hướng các em vào các hoạt động giao lưu, kỹ năng sống, hoạt động nhóm. Nên sát cánh dần điều chỉnh và định hướng lớp trẻ mới là điều thật sự cần kíp và hữu ích trong vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi học trò mê 'phây'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO