Khó trả lương theo vị trí việc làm

L.Hương 21/11/2016 22:25

Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương, song chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút, bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Đó là đánh giá khá thẳng thắn của ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại hội thảo quốc tế về xây dựng thang bảng lương và thực hiện cơ chế trả lương theo vị trí việc làm gắn với hiệu quả công tác đối với cán bộ, công chức do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 21/11, tại Hà Nội.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Lợi cho biết: Nếu tính các cuộc cải cách lớn, toàn diện về chính sách tiền lương, Việt Nam đã 3 lần thực hiện vào các năm 1960, 1985 và 1993. Cũng theo ông Lợi, sau năm 1975 số lượng đối tượng hưởng lương là trên 1 triệu người.

Đợt cải cách năm 1985, tổng số người hưởng lương khoảng hơn 2 triệu người. Nếu năm 2001 tổng số người hưởng lương đạt hơn 5,1 triệu người, tổng quỹ chi là 26.443 tỷ đồng, đến năm 2015 đã tăng lên hơn 6,5 triệu người. Nếu như năm 1993 chỉ quy định 9 loại phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với số lượng được hưởng không nhiều.

Đến năm 2016, đã tăng lên khoảng 20 loại phụ cấp cho các đối tượng này. Còn các chế độ phụ cấp lương ngày càng chắp vá, bất cập, khoản này chồng lên khoảng kia, góp phần phá vỡ quan hệ tiền lương chung.

“Từ năm 2001- 2015 mức lương tối thiểu điều chỉnh tăng 5,48 lần (1.150 ngàn đồng/210 ngàn đồng); số lượng đối tượng hưởng lương tăng 1,28 lần, nhưng tổng quỹ tiền lương tăng những 11,2 lần. Rõ ràng việc mở rộng quan hệ tiền lương, bổ sung, sửa đổi các chế độ phụ cấp và chế độ nâng bậc, nâng ngạch tác động rất lớn đến việc tăng quỹ tiền lương và trợ cấp”, ông Lợi nói.

Đứng trước thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng, cải cách tiền lương đang là vấn đề bức thiết, song muốn cải cách tiền lương phải trả lời được câu hỏi đi theo hướng nào và điều này không dễ dàng. Xung quanh vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, phải thoát ly hoàn toàn hệ thống lương hiện nay.

“Vì nó đã tạm thời từ năm 1993 tới nay. Còn nhiều bất cập như: nhiều bậc, nhiều mức ngạch và có quá nhiều chế độ phụ cấp... Vô hình trung tiền lương đã tạo sự cào bằng. Nếu còn tư duy trên hệ thống này thì khó thể cải cách được chế độ cải cách tiền lương”- bà Hằng nói.

Thực hiện cơ chế trả lương công chức theo vị trí việc làm gắn với chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ là một yêu cầu khách quan của cải cách thể chế kinh tế ở nước ta. Yêu cầu này được đặt trong nhiều mối quan hệ chính trị- kinh tế- xã hội tương tác chặt chẽ với nhau, liên quan đến hiệu lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động công vụ, cung cấp dịch vụ công, phân bố hợp lý các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực đất nước và đảm bảo an sinh xã hội…

Được biết ý kiến của hội thảo sẽ được tổng hợp lựa chọn đưa vào Đề án cải cách tiền lương và dự kiến được trình vào tháng 5/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó trả lương theo vị trí việc làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO