Không chỉ huy chương mà hơn thế nữa

Ngọc Anh 05/12/2016 10:09

Kỳ vọng vào một thế hệ học sinh tài năng đưa đất nước bước đến vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hy vọng tương lai có những nhà kỹ nghệ, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân như Bill Gates, Thomas Edison, Jack Ma… ở Việt Nam.

Sinh viên trường ĐH Lạc Hồng nghiên cứu khoa học. Nguồn: dongnai.gov.vn.

Thông điệp của Thủ tướng tại lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, học sinh xuất sắc tại kỳ thi THPT quốc gia 2016, đã khích lệ một thế hệ cần thổi bùng ngọn lửa đam mê, trong bối cảnh cần đề cao tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ.

Dư luận xã hội những ngày qua bàn nhiều đến câu hỏi đặt ra của một bạn trẻ: Phải học tập và làm việc thế nào để ra trường có mức lương khởi điểm 2.000 đô la? Khoan đừng chỉ trích số tiền, hãy chú ý đến vấn đề bạn trẻ ấy đặt ra, rằng phải học tập và làm việc thế nào? Hãy hoan nghênh tinh thần của những người trẻ tuổi đang ý thức cần phải học tập khác đi, như tâm sự của chính cô sinh viên Phạm Thị Thanh - người đã đặt ra câu hỏi trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Rằng sở dĩ cô đặt ra câu hỏi ấy là muốn “tường tận giá trị của từng môn học, cũng như muốn tối ưu hóa mọi công việc, học tập đạt hiệu quả nhất”. Và biết “giá trị cốt lõi của môn học, chương trình mình học, thay vì cứ học mà không biết sẽ làm gì với kiến thức đó”.

Đất nước đang cần những người trẻ biết ước mơ và ý thức cao về việc học tập và rèn luyện để đạt được ước mơ. Như lời nhắn nhủ của Thủ tướng trong lễ tuyên dương học sinh xuất sắc: “Tổ quốc không chỉ cần những tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Trong những năm qua, học sinh Việt Nam đã đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt năm 2016 là năm đầu tiên cả 5 đoàn thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương vàng. Đội tuyển Olympic Vật lí quốc tế đã đạt kết quả vượt bậc với 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc. Đáng biểu dương nhất là em Đinh Thị Hương Thảo hai năm liền đoạt Huy chương Vàng Olympic Vật lí quốc tế, được nhận giải “Nữ sinh châu Á đạt kết quả cao nhất”, nữ sinh duy nhất của kỳ thi đoạt Huy chương Vàng...

Đó thật sự là cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục, các thầy cô, các bậc phụ huynh và của chính bản thân các em học sinh. “Thành quả của các em học sinh hôm nay là niềm tự hào chung của cả nước” - Thủ tướng khẳng định. Tinh thần hiếu học vô bờ của người Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, gian khó vẫn không phai nhạt. Có lẽ, nghị lực vượt khó của học sinh Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Mà những tấm gương đoạt thành tích học tập xuất sắc ấy được đem lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình, dòng tộc, thầy cô, bạn bè mà trên cả là cho đất nước chúng ta.

Năm 1974, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham dự một kỳ Olympic quốc tế, đã đoạt Huy chương Vàng môn Toán. Trải qua 42 năm, chưa một năm nào các đoàn Olympic Việt Nam không giành được huy chương.

Như Thủ tướng khẳng định: Tinh thần hiếu học được kế thừa từ truyền thống dân tộc - một tinh thần không ngừng vươn lên chinh phục đỉnh cao tri thức, của rất nhiều thế hệ Việt Nam, trong đó có nhiều bậc tiền nhân đã làm rạng danh đất nước bằng trí tuệ, bản lĩnh và sự trung thành tuyệt đối với dân tộc, với cội nguồn, với Tổ quốc như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn…

Nhưng vì sao một đất nước luôn đầy ắp tinh thần hiếu học, thành tích của các thế hệ học sinh đoạt được trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế không tồi... lại chưa có được sự phát triển cao về tri thức, về khoa học công nghệ?

Câu hỏi ấy đặt ra đã nhiều năm và vẫn đang chờ ở một thế hệ mới. Một thế hệ của thời kỳ đất nước đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là thời kỳ yêu cầu tiên quyết đặt ra là sự sẵn sàng về chất xám, về nguồn nhân lực đạt trình độ sánh ngang với các nước khác. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới toàn diện về lượng lẫn về chất, để đào tạo ra một thế hệ đầy đủ kiến thức và phẩm chất sẵn sàng khởi nghiệp để kiến tạo đất nước. Thủ tướng trong thông điệp kỳ vọng ở thế hệ trẻ đã đặt ra yêu cầu về một hệ thống giáo dục mà các trường đại học phải là những mô hình tiên tiến về quản trị và tổ chức, về con người, chất lượng, mục tiêu, phương pháp giảng dạy, môi trường văn hóa và năng lực hội nhập quốc tế. Bởi có như vậy, “chúng ta mới có thể hy vọng về tương lai có những nhà kỹ nghệ, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân như Bill Gates, Thomas Edison, Jack Ma… ở Việt Nam”.

Câu chuyện về Phạm Kim Hùng, một người từng đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn toán, sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, đã quyết định không ở lại Mỹ mà về Việt Nam khởi nghiệp được Thủ tướng dẫn ra với thế hệ trẻ với lời nhắn gửi hãy sống một cuộc sống ý nghĩa, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội: “Tổ quốc không chỉ cần những tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Kỳ vọng của người đứng đầu Chính phủ về một tương lai có nguồn nhân lực sánh ngang các cường quốc có lẽ đang hối thúc thế hệ sinh viên ngày nay phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc hơn nữa về việc phải học và làm việc thế nào. Đất nước đang chờ đợi một tinh thần mới, khởi nghiệp và kiến tạo tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chỉ huy chương mà hơn thế nữa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO