Không kỳ thị với người chuyển giới

29/03/2016 13:44

Người nam hay người nữ, từ xưa, thường được mọi người hiểu theo cấu tạo cơ thể với những bộ phận sinh dục đặc trưng, tương ứng. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội không hẳn như vậy. 

Không kỳ thị với người chuyển giới

3 người chuyển giới mạnh dạn xuất hiện
trước ống kính phóng viên những mong nhận được sự thân thiện trong cư xử của mọi người. Ảnh Trần Ngọc Kha.

Tại cuộc hội thảo “Người chuyển giới - Họ là ai? do Cục Phòng chống HIV tổ chức ngày 25/3 vừa qua, có 3 người được cho là chuyển từ giới nam sang giới nữ (theo cấu tạo cơ thể ban đầu), đến từ Hà Nội. Trong đó, có một người vẫn ăn vận theo phong cách “nam” (tên là Hòa) và hai người ăn vận theo phong cách “nữ” (La La và Tú Anh). Họ mạnh dạn xuất hiện trước ống kính của các phóng viên báo chí và họ giãi bày tâm sự: Từ nhỏ đã cảm thấy mình có những biểu hiện không bình thường như những người cùng giới về ý thức giới tính để rồi từ đó, xu hướng thích những người cùng giới được nhen nhóm và cho đến nay, giới tính của họ đã hoàn toàn thay đổi. Trong tiến trình phát triển cơ thể cũng như sự thay đổi giới tính như vậy, họ đã gặp không ít những sự phân biệt đối xử cũng như những kỹ thị của cộng đồng. “Đi đến đâu bọn em cũng bị người ta chỉ trỏ, xa lánh, thậm chí, có người còn bị xúc phạm, hành hung” - từ sâu thẳm trong tâm hồn, La La có những tâm sự rất thật và mong được mọi người hiểu và cảm thông, chia sẻ.

Cuối năm 2015 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó cho phép các cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính. Nghĩa là, việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Tuy nhiên, việc hợp pháp hóa hôn nhân giữa họ với những người cũng giới vẫn còn là một tương lai chưa xác định. Và, “dù có thừa nhận sự hôn nhân của chúng tôi hay không thì chúng tôi vẫn ở với nhau, quan hệ tình dục cùng nhau. Vấn đề chủ yếu không phải là giấy kết hôn mà là thái độ của mọi người đối với chúng tôi sẽ được như thế nào” - người đồng tính nam tên Hoà bày tỏ. Ngày ngày, họ vẫn phải chịu những cảnh rất bất công đến với mình.

Có lần La La ra ngân hàng nhưng không được mở tài khoản. Mỗi tuần người chuyển giới phải chi phí đến 500.000 đ tiền mua hooc môn, theo Tú Anh, nhưng mua hooc môn ở đâu vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Và nhiều khi không mua được, họ vẫn phải dùng thuốc tránh thai thay thế chứa đầy những tác dụng phụ để duy trì sự chuyển giới hiệu quả. “Trước kia, nhìn trong gương mình rất ghét cơ thể của mình - La La tâm sự - Và thế là tôi cũng muốn dung hooc môn để hy vọng cơ thể mình thực sự được chuyển giớithực sự sau phẫu thuật”. Nhưng, cũng như Tú Anh, La La hầu như không tìm được sự hỗ trợ tư vấn nào về mua hooc môn.

Hiện nay, đa số những người muốn chuyển giới đều phải ra nước ngoài thực hiện, chủ yếu sang Thái Lan. Mỗi ca chi phí hết khoảng 35.000 đô la, theo La La. Chuyển giới từ nam sang nữ xong về nước sinh sống nếu có vấn đề về sức khoẻ cũng không dễ dàng khi được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đã có những trường hợp sau phẫu thuật bị dò nước tiểu. Thấy vậy, các cơ sở y tế trong nước đều “lắc đầu” vì họ sợ trách nhiệm và “cô” ấy lại buộc phải trở lại Thái Lan để khắc phục sự cố. . Không ít lần gặp vấn đề khác về sức khoẻ, chúng tôi cũng không nhận được sự sẵn lòng giúp đỡ từ các cơ sở y tế - Hoà cho hay.

Đó là một số trong muôn vàn những chuyện vừa băn khoăn vừa đau lòng mà những người chuyển giới đã và đang phải trải qua trong một xã hội mà chuyển giới vẫn còn đang là một khái niệm hết sức xa lạ và có phần bị kỳ thị. “Những người đồng tính sau chuyển giới, khi đó chúng tôi hoàn toàn đã là những người “phụ nữ” - La La chia sẻ - chúng tôi ai cũng có ham muốn được yêu thương những người “khác giới”. Tuy nhiên, mong ước này không dễ gì được thoả mãn bởi phần lớn những người bạn tình của chúng tôi không thể vượt qua được mặc cảm của mình cũng như gia đình mình”.

Bởi vậy, đã có những ông bố, bà mẹ hễ thấy con có biểu hiện đồng tính đã vội vàng đưa con vào điều trị ở BV tâm thần và hậu quả đem lại cho người con đó vô cùng lớn. Theo BS Phạm Vũ Thiên, kể từ ngày 15-7-1991, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa hiện tượng đồng tính ra khỏi danh mục bệnh tật con người. “Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta không nên coi họ như những người bệnh hoạn hay không nên e ngại đồng tính có thể lây lan. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ bớt dần đi sự kỳ thị với họ và từng bước chấp nhận cũng như hợp tác, giúp đỡ họ trong cộng đồng” - Anh Hoàng Thanh Hải, cán bộ của Văn phòng Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (PEPFAR), Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức cuộc hội thảo này chia sẻ.

Trần Ngọc Kha

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không kỳ thị với người chuyển giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO