Lo trẻ yêu sớm

Bình Minh 31/07/2016 13:05

Xã hội phát triển, mức sống ngày càng cao, xu hướng trẻ dậy thì càng sớm. Việc chúng bị cuốn theo những cảm xúc mới lạ, tình yêu là điều khó tránh. Nhiều bậc phụ huynh có con ở tuổi mới lớn tỏ ra vô cùng lo lắng khi các hành vi của con cái đang ngày càng vượt quá tầm kiểm soát của gia đình và nhà trường.

Lo trẻ yêu sớm

Từ sững sờ đến hoảng hố

Không phải đến thời điểm này, các nhà tâm lý, các chuyên gia giáo dục, xã hội học mới lên tiếng cảnh báo về tình trạng yêu sớm của học sinh. Nói về vấn đề này, tâm trạng chung của nhiều bậc cha mẹ là rất lo lắng, bởi theo họ, trẻ yêu sớm sẽ sao nhãng chuyện học hành, dẫn đến nhiều hệ luỵ không thể lường được. Giải pháp chủ yếu đưa ra trong hoàn cảnh này là cấm đoán, đe nẹt, tìm cách kiểm soát. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ đã phải cầu cứu nhà tư vấn tâm lý.

Trên thực tế, dù đã tìm mọi cách nhưng nhiều phụ huynh cũng đành bất lực. Chị Minh Huyền ở Thanh Xuân, Hà Nội kể, vợ chồng chị đã bị sốc nặng khi đọc được tin nhắn của cậu con trai mới 15 tuổi. Trong thư, cô bạn gái bí mật của con đã tả lại tâm trạng mùi mẫn khi diễn những màn yêu đương với con trai mình. Cô gái có số điện thoại dài 11 số kia không biết bằng hay hơn tuổi nhưng tỏ ra rất mạnh dạn đưa đẩy, lôi kéo, kích động với những lời lẽ mà đến cả bố mẹ đọc còn xấu hổ. Chồng chị không giấu nổi cơn giận đã la mắng con thậm tệ, rồi đập nát chiệc điện thoại. Còn cậu con trai thì xấu hổ, sợ hãi lý giải mới quen bạn gái trên mạng… Sau chuyện ấy, con trai chị dường như cảnh giác hơn với bố mẹ, gần như không lưu lại bất cứ một tin nhắn nào trên điện thoại. Còn anh chị thì cũng thú thật chẳng biết những điều gì đang diễn ra khi không thể kiểm soát con mình suốt ngày.

Chị Hà ở Thanh Trì chia sẻ: Cuối năm học lớp 10 vừa rồi của cô con gái, giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện đề nghị gia đình đến gặp để trao đổi về một số vấn đề phát sinh của con. Chị bất ngờ khi được cô giáo thông báo về việc dạo này con thường xuyên có cử chỉ thân mật và gần gũi quá mức với một bạn trai cùng lớp. Bạn trai này có vẻ khá rụt rè nên con gái chị thường chủ động gần gũi. Cô giáo nói, ở hầu hết các tiết học trong lớp con chị gần như không nghe giảng, chỉ lúi húi với chiếc điện thoại, nhắn tin, xem facebook… Có hôm cô giáo bất ngờ thu điện thoại thì giật mình choáng váng với những hình ảnh gợi cảm quá đà con đang xem trong điện thoại. Tất nhiên cô đã nhắc nhở, tâm sự với con nhiều lần nhưng vẫn thấy con có vẻ chìm đắm trong thế giới đó nên đã chủ động trao đổi với phụ huynh.

Chị Hà kể: Biết chuyện, chồng chị đã mắng thậm tệ, kiên quyết không cho con dùng điện thoại nữa, nhưng rồi chị vẫn phải đưa cho con vì nếu con không có điện thoại mình càng không thể biết con đi đâu, không thể trao đổi nhắc nhở con mọi việc khi cần thiết. Chuyện tình cảm tuổi mới lớn, chị hiểu không thể can thiệp sâu và thô bạo được, chỉ tâm sự với con những bất chắc có thể xảy ra, nhưng việc con tiếp thu đến đâu, có điều chỉnh không thì chị cũng không chắc.

Chia sẻ về cái khó của cha mẹ khi con cái bước vào tuổi phát triển, chị Phương ở Mai Động tâm sự: Chị để ý thấy dạo này, dù đang nghỉ hè nhưng cô con gái vừa tròn 13 tuổi rất chịu khó làm đỏm mỗi khi đi học thêm. Con bắt đầu tô son môi, vẽ viền mắt. Tối nào cũng ôm khư khư cái điện thoại, kể cả lúc ăn cơm, ngồi xem ti vi cùng gia đình. Nhiều hôm đi học thêm, con tỏ vẻ khó chịu và không muốn bố mẹ đi đón. Việc học hành cũng có vẻ chểnh mảng hơn. Sau nhiều ngày để ý, chị Phương bất ngờ khi biết con mình đã cảm mến một bạn trai học trên con 1 lớp và hàng ngày hai đứa thường xuyên hẹn hò, tâm sự, có hôm còn đưa đón nhau đi học thêm. Trên mạng, hai đứa thường dùng những lời lẽ yêu đương sướt mướt, gọi nhau là vợ chồng, nhớ nhung đến mức muốn sống chung một nhà… Đem chuyện này tâm sự với một số người có con cùng lứa thì được biết nhiều người như chị, lúng túng chưa biết phải làm gì khi con cái vướng vào yêu đương, chểnh mảng học tập.

Ði tìm nguyên nhân

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, hiện nay, do điều kiện dinh dưỡng đầy đủ cộng với nhiều yếu tố tác động từ môi trường lên từng cá thể, vì vậy, tuổi dậy thì của trẻ đang ngày càng sớm. Thực tế, tuổi dậy thì hiện nay ở con trai là từ 12 - 17 và của con gái là từ 10 - 15. Đến tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu tìm hiểu, khám phá và cảm nhận những cảm xúc mới lạ về cơ thể mà trước đây không hề có. Cùng với sự thay đổi về hormon thì những tiếp xúc qua sách báo, phim ảnh, internet và quan niệm sống cởi mở hơn... cũng giúp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn, nhanh hơn với vấn đề mà các thế hệ trước cho là điều cấm, là vấn đề tế nhị - tình yêu và tình dục.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) thì nam nữ khi trưởng thành, có sức thu hút về thể xác và tình cảm là điều hết sức tự nhiên, nó là một nhu cầu có tính bản năng rất khó để cấm đoán. Thực ra nhiều bậc cha mẹ vẫn tồn tại những suy nghĩ, không thức thời. Theo họ thì trao đổi, cung cấp cho trẻ những kiến thức về giới tính là “vẽ đường cho hưu chạy”, thậm chí là suy đồi về đạo đức. Vì thế ít người tìm phương pháp trao đổi với con về điều này. Ông Sơn cũng cho rằng khi thấy con có biểu hiện yêu, cha mẹ không nên cấm đoán tức thì hay làm ẫm ĩ lên. Nhưng từ lúc đó trở đi, hãy lưu tâm nhiều hơn đến trẻ. Cha mẹ phải lựa lời phân tích thiệt hơn về tình cảm bồng bột của con, khéo léo tìm hiểu mối quan hệ để từ đó cho trẻ các lời khuyên về lối sống, cách ứng xử.

Cũng theo ông Sơn, tuổi dậy thì là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Con luôn muốn làm người lớn, coi mình là người lớn. Nhưng thực ra, tâm hồn trẻ vẫn đầy non nớt và dễ bị tổn thương. Vì vậy, khi con gái bước vào yêu sớm, điều cấm kỵ nhất là cha mẹ có lời lẽ chì chiết, xúc phạm con. Làm như vậy con sẽ rất tức tối và thấy mình không được thoải mái sống.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp con có ý định tự tử, bỏ nhà ra đi vì sự can thiệp quá sâu của bố mẹ. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thay vì cấm đoán một cách bạo liệt, hãy đến bên con một cách nhẹ nhàng như một người bạn tin cậy để giúp cho con phát triển tình cảm một cách đúng hướng. Khi tình yêu là nhu cầu bản năng, khó để cấm đoán thì cách ứng xử của cha mẹ phải hết sức khéo léo, nó giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy theo hướng êm đềm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo trẻ yêu sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO