Mở rộng độ bao phủ tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện: Cần có những giải pháp kích cầu

Lê Bảo 14/09/2019 08:00

Tính đến tháng 7 năm 2019, cả nước đã phát triển được hơn 420.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bũi Sỹ Lợi để đạt được mục tiêu do Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, bên cạnh các quyết sách của Trung ương thì Chính phủ cũng cần nâng mức hỗ trợ nhằm “kích cầu” người dân tham gia.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong lúc chúng ta ở giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện thì rất cần phải nâng mức hỗ trợ “kích cầu” lên. Theo đó cần hỗ trợ 50-50, song với hộ cận nghèo và hộ nghèo thì cần hỗ trợ tăng thêm nữa để thời gian đầu phát triển diện rộng, sau đó từ từ điều chỉnh tỉ lệ này thì mới đạt mục tiêu. Nếu không làm như vậy thì mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 28 khó đạt được.

Lý giải cho đề xuất của mình, ông Lợi cho rằng, bài học từ chính sách BHYT là ví dụ điển hình, ban đầu hỗ trợ như vậy rất ít người tham gia, sau đó “nới lỏng” nên hiện nay việc mở rộng độ bao phủ tham gia BHYT không quá gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy với chính sách BHXH tự nguyện cũng nên thực hiện theo phương án của BHYT. “Tôi đồng tình phải điều chỉnh chính sách hưởng BHXH tự nguyện như “nhập” BHYT với BHXH tự nguyện để người dân chỉ cần mua BHXH tự nguyện đương nhiên sẽ có BHYT. Hiện nay, đồng bào dân tộc, vùng núi nếu không có chế độ khi nghỉ sinh thì Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Ốm đau, thai sản chúng ta đưa tiếp vào BHXH tự nguyện nhằm kích thích người dân tham gia và để khi về hưu không chỉ được lương hưu của BHXH tự nguyện mà còn có thẻ BHYT- mấu chốt cơ bản quyết định sức hấp dẫn của BHXH tự nguyện”- ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nhà nước đã hỗ trợ mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhưng thực ra mới bỏ ra được 40 tỉ đồng hỗ trợ. Mỗi năm Nhà nước bỏ ra 2.000-3.000 tỉ đồng và giải quyết được 400.000-500.000 lao động tham gia BHXH- đây chính là nhằm mục tiêu an sinh xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với an sinh xã hội, kéo giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền với nhau. Điều 34 của Hiến pháp quy định công dân Việt Nam có quyền được đảm bảo an sinh xã hội- làm được điều này phải thể hiện bằng hành động, bằng chiến lược và quyết tâm chính trị; song đạt được hay không cũng còn phụ thuộc hành động của Chính phủ.

Đánh giá việc triển khai chính sách BHXH hiện nay, ông Lợi cho rằng, BHXH Việt Nam đang đi đúng hướng, đúng trọng tâm, đang có cách làm rất phù hợp. Song để đạt hiệu quả thì chính quyền địa phương phải giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT cho các đơn vị, các xã, phường nhằm mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trên cơ sở đó, phải tổ chức triển khai thực hiện; các cơ quan dân cử phải giám sát đánh giá tác động, tổng kết và rút ra bài học xử lý vấn đề mở rộng đối tượng. “Cùng với đó chính sách phải linh hoạt để làm sao để người dân hiểu đúng, hiểu đủ và hấp dẫn. Đơn cử giờ tôi gần hết điều kiện về tuổi đóng BHXH, không đủ điều kiện đóng 20 năm để nghỉ hưu thì phải cho đóng trước hoặc sau 5 năm. Ví dụ, tôi 50 tuổi, cho tôi đóng trước 5 năm và sau 5 năm để khi tôi đạt 60 tuổi đủ 20 năm đóng thì được hưởng lương hưu”- ông Lợi phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng độ bao phủ tham gia Bảo hiểm Xã hội tự nguyện: Cần có những giải pháp kích cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO