Môi trường - những vấn đề cấp bách

Tuấn Việt 10/11/2016 09:27

Môi trường Việt Nam đang chịu áp lực từ việc gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, công nghiệp hóa mạnh, cường độ khai thác tài nguyên chưa đúng mức, rác thải đô thị, làng nghề… Áp lực ấy đã, đang và sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh.

Môi trường - những vấn đề cấp bách

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn dàn.

Đây là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn “Bảo vệ môi trường-Những vấn đề cấp bách”, được Bộ TN&MT tổ chức tại Hà Nội, ngày 9/11.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hàng năm có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Toàn quốc có 878 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khoáng sản, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe máy, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thủy sản…

Từ số lượng khổng lồ ấy, hàng ngày cả nước có 550.000m3 nước thải công nghiệp, 125.000m3 nước thải y tế. Hàng năm phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải công nghiệp nguy hại và hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại.

Mỗi năm cũng có hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó hơn 80% sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, hiện cả nước có hơn 547.000 ha đất bị thoái hóa nặng, trên 240 điểm ô nhiễm.

Trung bình mỗi năm có hơn 9.500 ha rừng bị chuyển đổi mục đích, từ 2.000 đến 4.000 ha rừng bị chặt phá, bị cháy. So với năm 1943 rừng ngập mặn trên phạm vi toàn quốc giảm đến 67%....

Nếu môi trường có ngưỡng, thì hiện tại đối với Việt Nam, ngưỡng đó đã là quá tải và không thể chịu hơn được nữa. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta phải có đánh giá, nhìn thẳng vào sự thật khi môi trường chính là áp lực và thách thức sống còn”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, qua kiểm tra, trên toàn quốc vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng kéo dài, 268/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường năm 2011 là 45,9% và năm 2015 là 24,5%.

Cũng trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra đối với 4.121 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt với số tiền 226 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đoàn thanh tra đã thanh kiểm tra 95 cơ sở có nguồn xả thải lớn trên 200m3, dự kiến xử phạt với các tổ chức vi phạm là trên 132 triệu đồng.

“Vi phạm đối với môi trường diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khi nhận thức và tư duy bảo vệ môi trường chưa thành thói quen hoặc vì lợi ích kinh tế, cuộc sống nhân sinh bất chấp tất cả, kể cả việc hủy hoại nguồn sống”. Đến nay, vẫn còn có cấp ủy, chính quyền có tư tưởng ưu tiên tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ thậm chí bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường. Sự trả giá sẽ giành cho nhiều thế hệ”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ ra những nguyên nhân đang trở thành thách thức với Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường. Đó là tư tưởng coi trọng thu hút đầu tư, coi nhẹ bảo vệ môi trường. Ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư còn thấp.

Nhiều nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề chạy theo lợi nhuận, quên môi trường. Nguy hiểm hơn, năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập, nhiều chính sách về môi trường còn thiếu và yếu, chồng chéo trong điều hành, quản lý. Đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, GS TS Mai Trọng Thuận, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã báo cáo diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung sau sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Theo đó, các chỉ số kết luận vùng biển từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa thiên - Huế đã thực sự an toàn, khi các chỉ, thông số phân tích từ hơn 2.000 mẫu xét nghiệm đều nằm trong giới hạn cho phép.

Đặc biệt, các thông số tổng phenol và xyanua, là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường, đã ở mức an toàn. Đây thực sự là thông tin quan trọng với bà con ngư dân ở các vùng đã từng chịu ảnh hưởng bởi sự xả thải của Formosa Hà Tĩnh gây nên.

Tính đến tháng 10-2016 toàn quốc đã có 108 dự án chiến lược, quy hoạch đã được đánh giá môi trường chiến lược, gần 9.100 dự án đã thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1.447 dự án được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. 57.900 dự án, hoạt động đầu tư đã được các địa phương xác nhận bản cảm kết bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia tại Diễn đàn, cần phải xem xét “tính hiệu lực” với môi trường của các dự án, vì đã có nhiều trường hợp cấp chưa trúng và chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môi trường - những vấn đề cấp bách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO