Môi trường xanh và những điểm nóng

Hoàng Anh (tổng hợp) 30/10/2016 12:09

Không chỉ một nhà máy xi măng, một nhà máy dệt hay những dự án nhiệt điện than, một cơ sở sản xuất phụ gia phục vụ hải sản... “quên” cam kết bảo vệ môi trường. Còn đó nhiều nơi “quên” như vậy, chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp mà hy sinh lợi ích cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Dự án nhiệt điện than và vấn đề môi trường

Gần đây, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã đưa ra 10 kiến nghị giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhiệt điện than nhằm ngăn chặn sự gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế tại các khu dân cư quanh khu vực nhà máy nhiệt điện than.

Kiến nghị này được đưa ra sau khi Bộ Công thương ban hành chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành công thương. Theo hai đơn vị này, các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cần giám sát đặc biệt theo chỉ thị nêu trên.

Trong 2 năm qua, VSEA đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến các tác động môi trường, xã hội và sức khỏe của cộng đồng từ hoạt động khai thác than và nhiệt điện than. Báo cáo tổng hợp về tác động môi trường và xã hội của than và nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam của VSEA chỉ ra rằng các nhà máy Hải Phòng I&II, Quảng Ninh, Thái Bình I&II, Mạo Khê, Vĩnh Tân II, Vũng Áng I &II, và Duyên Hải I đang là nguồn gây ô nhiễm không khí, nước và ảnh hưởng tới sinh kế của người dân địa phương.

Các cộng đồng dân cư xung quanh các nhà máy nhiệt điện than đang phải đối mặt hàng ngày với những lo lắng về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới sinh kế, thậm chí bức xúc khiếu kiện. Ngoài ra, chính quyền và người dân địa phương không được cung cấp đầy đủ thông tin về các tác động môi trường và kế hoạch quản lý môi trường của các nhà máy. Chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân không thể tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án này.

Theo VSEA, hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe của người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý. Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII Điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030. Cũng theo quy hoạch, vào năm 2030 tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn đang chịu tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu và tác động của việc dùng nước trên thượng nguồn, sẽ có tới 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt hơn 18,000 MW. “Đây sẽ là hiểm họa khôn lường cho hệ sinh thái nước và nguồn lợi thủy sản của khu vực này”- VSEA nhấn mạnh.

Để tránh rủi ro ô nhiễm gây tổn hại cho sức khỏe người dân, 2 tổ chức này đã nêu ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị được đưa ra hàng đầu là Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại một cách cẩn trọng Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo nguyên tắc không đánh đổi môi trường và sức khỏe cộng đồng lấy dự án, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và tham vấn rộng rãi với các bên liên quan để huy động các sáng kiến, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững. Chính phủ cần dừng các dự án nhiệt điện than trong quy hoạch chưa xây dựng để xem xét kỹ lưỡng hiệu quả lợi ích và tác động, tổn thất đối với toàn xã hội và nền kinh tế.

Nhà máy xi măng gây ô nhiễm

Cho rằng, Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn tại xã Thành Lập (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian dài, từ ngày 26/10, hàng trăm người dân xóm Ao Kềnh, xã Thành Lập đã kéo nhau, dựng lều chặn ngoài cổng để phản đối tình trạng ô nhiễm do công ty này gây ra.

Theo người dân, nguyên nhân khiến họ phải tập trung phản đối là do từ nhiều năm nay, Công ty hoạt động xả nhiều khói bụi ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và thu nhập của người dân. Năm 2013, Cty đã cam kết với người dân khắc phục khói bụi ô nhiễm, tuy nhiên đến nay tình hình vẫn không hề được cải thiện.

Trước áp lực tạo ra từ người dân, đến ngày 27/10, lãnh đạo Cty này đã buộc phải có buổi đối thoại với người dân xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường. Tại buổi đối thoại, ông Đỗ Trường-Tổng Giám đốc Cty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn đã cam kết bằng văn bản dưới sự chứng kiến và giám sát của lãnh đạo ngành chức năng của huyện Lương Sơn và xã Thành Lập.

Theo đó cam kết kể từ ngày 1/12/2016, công ty khắc phục hết những tồn tại ô nhiễm môi trường. Nếu còn để việc khói bụi làm ảnh hưởng môi trường, công ty phải đền bù 100 triệu đồng cho mỗi lần xả thải và phải lập tức dừng sản xuất.

Ngoài ra, Cty phải phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ảnh hưởng ô nhiễm gây ra cho người dân từ trước đến nay. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan rửa đường từ mỏ đá Ba Mô đến cổng nhà máy và từ ngã ba thôn Quán Trắng đến đoạn ngã ba đường thôn Ao Kềnh đi sang thôn Sòng…

Lại một công ty dệt xả thải sai

10 năm Cty Dệt Hopex hoạt động, cũng là chừng ấy thời gian người dân thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương gánh nhiều hệ lụy về sức khỏe, môi trường từ Cty gây ra. Người dân thị trấn Lai Cách cho rằng, Cty đã xả nước thải màu đen ngòm, ra hệ thống mương phía trước Cty, hòa vào kênh mương thủy lợi của người dân khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Ngoài ra, các cột khói của Cty xả ra thứ khói đen kịt khiến bầu không khí lúc nào cũng nồng nặc mùi hóa chất. Tại cống nước thải của Cty xả ra hệ thống kênh mương, nước thải có màu đen ngòm, bốc mùi hóa chất nồng nặc. Nguồn nước ô nhiễm đến mức không có loài cá tôm nào sống nổi, ngay cả bèo tây khu vực kênh mương cũng chết dần, chết mòn.

Theo người dân thị trấn Lai Cách cho biết, vài năm trở lại đây số người sống xung quanh khu vực Cty bị bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, nguồn nước tăng đột biến, khiến người dân hoang mang lo lắng.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, Năm 2006, Cty Dệt Hopex bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất giặt, mài các sản phẩm may mặc. Hiện nay, Cty đang sử dụng một nhà xưởng để sản xuất kinh doanh và cho 3 doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng.

Liên quan đến vấn đề Cty Dệt Hopex gây ô nhiễm môi trường, theo ông Vũ Ngọc Long- Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương thì Cty báo cáo không đúng thực tế với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình quản lý chất thải nguy hại, vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại của Bộ TN&MT.

Đồng thời, Cty thực hiện không đúng, không đầy đủ một số nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.

Cụ thể: thay đổi nhiên liệu đốt lò hơi từ than đá sang mùn cưa ép, sử dụng hóa chất nhuộm trong quy trình giặt không có trong nội dung ĐTM được phê duyệt. Không thu gom đấu nối nước thải sinh hoạt của Cty KR Việt Nam về khu xử lý nước thải tập trung để xử lý theo đúng nội dung ĐTM được phê duyệt.

Ngoài ra, Cty thực hiện giám sát môi trường định kỳ không đầy đủ vị trí, thông số giám sát đã đăng ký trong ĐTM được phê duyệt. So sánh chất lượng nước thải với cột B quy chuẩn 40:2011/BTNMT không đúng nội dung ĐTM và quyết định phê duyệt ĐTM. Xả thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép.

“Trong lĩnh vực Tài nguyên nước, không thực hiện quan trắc khai thác tài nguyên nước thải quy định. Chưa kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác nước dưới đất. Không thực hiện chế độ báo cáo kết quả khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước cho cơ quan có thẩm quyền…” Giám đốc Sở TN&MT Hải Dương Vũ Ngọc Long cho biết.

Ngày 19/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định xử phạt đối với Cty Dệt Hopex 236 triệu đồng về hành vi xả thải vượt quy chuẩn về môi trường cho phép. Tuy nhiên, dường như “phớt lờ” tất cả, hiện nay, dòng nước xả đen kịt, độc hại từ Cty này vẫn không ngừng xả ra môi trường.

Doanh nghiệp “quên” cam kết bảo vệ môi trường

Người dân thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết, 2 cơ sở sản xuất Chitin (chế biến phế liệu thủy sản) của ông Trần Sâm và Nguyễn Văn Dưỡng không có hệ thống xử lý nước thải.

Vì vậy, từ nhiều năm nay, 2 cơ sở này thường xuyên xả thải nước có màu xám đen, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân. Dòng nước thải đen ngòm cứ vài ngày lại đổ xuống kênh, mương nổi váng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

Ông Phan Công Quỳnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Tân cho biết, mức độ ô nhiễm xả thải không chỉ làm giảm năng suất lúa, hoa màu, xoài mà còn gây ô nhiễm không khí. Hiện địa phương đang rà soát danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và hướng dẫn nông dân khởi kiện yêu cầu các cơ sở gây ra phải bồi thường.

Ông Nguyễn Ngọc Khuê- Chủ tịch UBND xã Suối Tân cho biết, năm ngoái các DN này cam kết đến tháng 12/2015 sẽ khắc phục hậu quả, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Mới đây địa phương và UBND huyện tiếp tục mời các DN làm việc và gia hạn cho cam kết đến tháng 12-2016 phải khắc phục dứt điểm.

Tuy nhiên, trong thời gian giám sát và khắc phục, thì họ lại tiếp tục xả thải gây bức xúc cho người dân. Theo Sở TN&MT Khánh Hòa, việc 2 cơ sở sản xuất chế biến phế liệu thủy sản của ông Trần Sâm và Nguyễn Văn Dưỡng gây ô nhiễm môi trường, Sở đã nhận được văn bản báo cáo số 2964/UBND ngày 18/7/2016 của UBND huyện Cam Lâm.

Đến ngày 15/9/2016, Sở đã kiểm tra thực tế 2 cơ sở này nhận thấy chưa hoàn thành việc xử lý môi trường, nước thải sau xử lý có mùi hôi thối, hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo yêu cầu. Vì vậy, Sở thống nhất kiến nghị của UBND huyện Cam Lâm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở nói trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Môi trường xanh và những điểm nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO