Mong anh sớm trở về...

Xuân Quảng 10/08/2017 16:35

Truyền thống của lực lượng Biên phòng cùng nghĩa tình đồng đội đã gắn kết họ cùng một tâm nguyện tìm được đồng đội đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ đồn, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Gặp nhau, họ đã cùng cất cao những bài hát truyền thống, kỷ niệm của một thời để gọi anh về…

Ông Vũ Ngọc Mai (đứng giữa) và ông Hoàng Như Lý cùng con trai, cháu nội liệt sĩ Vũ Trọng Hiên và nữ PV của Đài PTTH Quảng Ninh tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn ngày 27/7/2017.

…A…một lòng đã nguyện vì dân anh đi vì mỗi giấc ngủ trẻ thơ/Quản gì dốc thẳm đèo cao anh đi gìn giữ biên cương của ta/Nhân dân yêu thương người chiến sĩ của dân/Rừng xanh âm vang câu ca người chiến sĩ biên phòng yêu dấu/Là la la…

…Vai mang quân hàm xanh màu rừng xanh biên giới/Biển cả mênh mông biếc xanh màu ruộng đồng/Công an nhân dân vũ trang chúng ta vì Tổ quốc. Nguyện chiến đầu thề hi sinh là người con trung thành của Đảng của nhân dân..

Đó là những câu hát từ những bài hát truyền thống của lực lượng CAND vũ trang xưa mà khi họ còn ở độ tuổi mười tám, đôi mươi vẫn thường hát. Nay những cựu chiến binh biên phòng đó đã đều gần tuổi 60, nhiều người đã là ông nội, ông ngoại khi họ gặp nhau đều cùng đồng ca ôn lại những bài hát truyền thống đó.

Đặc biệt là những ngày tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua, những cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã có mặt tại đồn 209 Pò Hèn từ tối 19/2/1979 đã thường xuyên liên lạc, hội tụ lại để cùng trao đổi với nhau những gì mà mình còn nhớ về những đồng đội đã hy sinh tại đồn CAND vũ trang 209 Pò Hèn, về nghĩa trang Mả Phềnh, rồi chuyển xuống nghĩa trang Vày Kháy trên Pò Hèn ngày ấy.

Họ cùng cất cao tiếng hát, cùng tự hào về cuộc chiến đấu lịch sử, bởi ngay sau trận chiến oanh liệt đó, đại tá Cao Thượng Lương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ CAND vũ trang Trung ương (trực thuộc Ban Bí thư Trung ương), Cục trưởng Cục Chính trị CAND vũ trang đã lên đồn 209 Pò Hèn động viên CBCS và thắp hương tưởng nhớ những CBCS của đồn đã anh dũng hy sinh.

Mọi người cùng tâm niệm sẽ giúp được gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện bằng cách thông tin, giúp đỡ, định hướng để cùng tìm và xác định cụ thể phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện.

Bởi điều kiện của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện còn khó khan nên anh em đồng đội cũ đang tính hướng đưa em trai liệt sĩ ra Pò Hèn theo ý nguyện, ra đến TP Móng Cái thì hẹn ông Hoàng Như Lý đón và đưa lên Pò Hèn, nơi anh trai đã hy sinh thắp hương cho anh trai cùng đồng đội của anh, thăm lại những trận địa của đồn CAND vũ trang 209 Pò Hèn xưa và thăm CBCS đồn Biên phòng Pò Hèn ngày nay.

Người thì đi hỏi làm các thủ tục liên hệ Phòng LĐTB&XH thị xã Đông Triều, liên hệ với Phòng LĐTB&XH thành phố Hạ Long và Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Ninh xác minh hồ sơ di chuyển liệt sĩ từ nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn về nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, nhờ Đảng bộ, chính quyền, Hội CCB phường Đức Chính, quê hương liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện giúp các thủ tục cho gia đình liệt sĩ…

Những mong mỏi của các cựu chiến binh biên phòng bất ngờ lóe lên một tia hy vọng, vào chiều 8/8 vừa qua, anh Vũ Trọng Hùng ở khu 5 thị trấn Trới, Hoành Bồ (Quảng Ninh), con trai liệt sĩ Vũ Trọng Hiên, quê ở phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã hy sinh ngày 17/2/1979 tại đồn CAND vũ trang 209 Pò Hèn lần đầu tiên đến nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long) cùng thân nhân liệt sĩ Bùi Văn Lượng, hi sinh tại Pò Hèn ngày 17/2/1979 (liệt sĩ Bùi Văn Lượng là người yêu nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm) theo chương trình của Đài PTTH Quảng Ninh.

Vào đến nghĩa trang, anh Hùng giật mình vì tại nghĩa trang cũng có tấm bia mộ liệt sĩ của cha mình. Anh Hùng chợt nhớ hôm 27-7 vừa rồi, anh đã cùng ra Khu di tích lịch sử Pò Hèn và được gặp ông Mai, thủ trưởng của cha mình cùng bác Lý. Bác Lý đã đưa anh lên trận địa Đồi Quế, nơi cha của anh đã hy sinh. Bác Lý cũng nói có một bác ở Đông Triều hy sinh tại đây, nay chưa xác định được mộ ở nghĩa trang nào. Bởi phần mộ bố mình thì đã được ông nội và chú anh đưa về nghĩa trang liệt sĩ phường Phong Cốc từ năm 1982.

Nhìn ngôi mộ tên của cha mình trên bia trong nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu ít có người thăm nom, hương khói hơn so với những ngôi mộ quanh đó. Anh Hùng đã điện thoại ngay cho ông Lý ở TP Móng Cái phải kiểm tra lại ngay. Có lẽ đây là phần mộ của bác ở Đông Triều mà gia đình cùng các bác, các chú đồng đội của bố cháu đang tìm…

Ngôi mộ có bia liệt sĩ Vũ Trọng Hiên tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long) (ảnh do anh Vũ Trọng Tiến cung cấp).

Nhận được điện ông Hoàng Như Lý vui mừng, đúng là có sơ xuất ngày di chuyển thật rồi, ngôi mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu mà đặt bia của liệt sĩ Vũ Trọng Hiên, sinh năm 1960, quê Phong Cốc, Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), Quảng Ninh, hy sinh năm 1979 chính là mộ của chú Hiện, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện, quê ở Đức Chính, TX Đông Triều chứ phần mộ của chú Hiên đã đưa về nghĩa trang quê nhà rồi…

Ông Lý cho biết, sẽ thông báo cho CBCS các thế hệ đồn 209 Pò Hèn biết để cùng tập trung với gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ xác định rõ phần mộ ghi tên liệt sĩ Vũ Trọng Hiên trong nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu (TP Hạ Long) có đúng là mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện hay không thông qua hội nghị thường niên ban liên lạc truyền thống đồn Pò Hèn sẽ họp ngày 15/8 tại thành phố Hạ Long.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trọng Tiến, sinh năm 1965, hiện ở khu 1, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) khẳng định, cuối năm 1982, ông đã cùng bố đẻ lặn lội ra huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) và lên tận Pò Hèn, ở trên đó một tuần để làm thủ tục xin đưa hài cốt anh trai là liệt sĩ Vũ Trọng Hiện về quê nhà an táng. Hiện phần mộ của liệt sĩ Vũ Trọng Hiện vẫn đang ở nghĩa trang liệt sĩ của địa phương…

Các cựu chiến binh biên phòng mong các cơ quan chức năng cần xác định rõ phần mộ ghi tên liệt sĩ Vũ Trọng Hiên hiện tại trong nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu có đúng là mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện hay không để công bố thông tin đảm bảo chính xác tuyệt đối, mang lại niềm vui và niềm tin cho gia đình và những đồng đội của liệt sĩ đang ngóng chờ anh sẽ trở về…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong anh sớm trở về...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO