Mùa hè nào cho trẻ

Lê Lan 04/06/2017 08:05

Một mùa hè nữa lại bắt đầu. Nghỉ hè 3 tháng- thời gian thoải mái của con cái cũng là thời điểm mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất, đặc biệt là gia đình ở thành phố. 

Với trẻ em thành phố, bể bơi là niềm mơ ước khi nghỉ hè.

Đảo lộn sinh hoạt

Ở các trường tư thục học sinh học đến tận ngày cuối cùng của tháng 5, còn ở các trường công, thực ra kỳ nghỉ hè của học sinh đã rục rịch từ giữa tháng 5. Ngày thì nghỉ để cô chấm thi, ngày thì cô vào sổ điểm… đó cũng là lúc các bậc phụ huynh bắt đầu lên phương án chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài ngày của con.

Nếu như những năm trước các học kỳ quân đội (thường diễn ra trong thời gian từ 8 - 10 ngày) khá thu hút các bậc phụ huynh bởi sự mới mẻ và nghiêm khắc trong phương pháp rèn luyện con trẻ thì năm nay các lớp dạy kỹ năng bơi tỏ ra hấp dẫn hơn.

Trước những thông tin liên tiếp về tình trạng đuối nước trẻ em trong thời gian vừa qua, dường như gia đình nào cũng cố gắng cho con tham gia một khóa học bơi cơ bản dù kinh phí không dưới 2 triệu đống một khóa học khoảng 15 buổi.

Chị Thu Nga, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, 2,5 triệu đồng cho con học bơi là cả một vấn đề đối với thu nhập của vợ chồng chị nhưng cứ nghĩ đây là kỹ năng quan trọng trang bị cho cả cuộc đời của con để con mình tự cứu sống bản thân trong những tình huống bất trắc thì chẳng đắt. Khổ nỗi, các buổi học vào sáng sớm đều quá tải, buộc phải chọn lớp học từ 8-9h hằng ngày cho cậu con trai học lớp 5.

“Bố mẹ thay nhau đưa đón con đi học bơi và thay phiên nhau đi làm muộn hơn tiếng đồng hồ mỗi ngày. Quá ái ngại nhưng cũng đành báo cáo thật để lãnh đạo cơ quan thông cảm”- Chị Nga chia sẻ.

Còn chị Thu Hương ở Linh Đàm thì chia sẻ: Hai bên ông bà nội ngoại đều đã mất, vì thế nhiều năm nay gia đình chị thường phải để các con ở nhà với bác giúp việc, rồi mỗi buổi trưa dù mưa to hay nắng gắt vợ chồng chị đều phải cắt cử nhau tạt về nhà để “xốc” lại tinh thần hai cậu con trai ở nhà. Dù các con khá nghe lời bác giúp việc nhưng chỉ hơn tuần, chị Hương bảo bác giúp việc đã “ đầu hàng” rồi.

Bác giúp việc cho biết, cứ nghe thông tin về việc các cháu nhỏ bị ngã từ trên các tòa nhà cao tầng xuống mà lo vì thế bà không thể chịu nổi trách nhiệm nếu không may xảy ra chuyện với những trò nghịch ngợm đến phát sợ của anh cu 6 tuổi. Anh chị đành cắt cử nhau đưa cậu con trai nhỏ lên cơ quan còn anh 9 tuổi thì ở nhà với bác giúp việc.

“Ba tháng hè với hai vợ chồng tôi là một thử thách. Cũng nghĩ nghỉ hè thì cho con vui chơi thoải mái nhưng thu xếp không đơn giản nên phải tính cho các cháu học thêm ngoại ngữ, học năng khiếu. Thật ra việc thu xếp đưa đón con học cũng vẫn phải nhờ đến bác xe ôm gần nhà là chính”, người mẹ bộc bạch.

Anh Thanh Phong ở quận Long Biên cho hay, năm nào vợ chồng anh cũng dành nghỉ phép vào đợt hè. Cả nhà cùng đi nghỉ dăm ngày, rồi mỗi người thay nhau ở nhà trông con khoảng một tuần, sau đó nhờ bà ngoại ở quê lên trông cháu. Anh cho biết cũng đăng ký cho con tham gia những khóa học năng khiếu hè, tham gia một số hoạt động vui chơi, bơi lội, võ thuật nhưng không thể nào lấp kín.

Ban đầu anh chị cũng tính gửi con về quê nội ở Hải Dương như mong muốn của các cháu nhưng cân nhắc mãi chị chỉ cùng con về quê một tuần cho con trải nghiệm không khí thôn quê chứ để con ở lại, rồi suốt ngày theo chúng bạn leo trèo cây cối, bơi lội ao hồ thấy không ổn.

Loay hoay tìm sân chơi

Thiếu sân chơi - vấn đề này dù được nhắc đến khá nhiều nhưng xem ra không có gì thay đổi. Khắp các khu dân cư khó tìm được một khoảnh đất nào rộng rãi để trẻ đá bóng, nhảy dây, đánh cầu lông. Nếu khu nào có thì cũng rơi vào tình trạng quá tải.

Nhà tận (Tân Mai) nhưng tối nào chị Thanh cũng đèo con xuống khu đô thị Timecity chơi. Chị chia sẻ: Cả Hà Nội chắc chỉ có vài khu đô thị mới xây là đầu tư khu vui chơi cho trẻ em, thế nên dù bận, dù xa chị vẫn dành thời gian đưa con đến chơi ké ở Time city. Ở đây vừa có nhiều khoảng sân rộng vừa được trang bị những xích đu, cầu trượt, sân bóng rổ... Tiết kiệm mang theo nước uống ở nhà đi thì chỉ mất có 3 ngàn tiền gửi xe là con có thể tha hồ vui chơi ở đây.

Bà Năm (Thanh Nhàn) chia sẻ: Thực ra khu tập thể nơi bà ở cũng thiết kế sân chơi cho trẻ em, chỗ nghỉ ngơi cho người già nhưng hầu hết các gia đình ở tầng 1 đã lấn chiếm sân chung làm nơi buôn bán nên đến cả lối vào khu tập thể cũng chật thì lấy đâu chỗ chơi cho trẻ em. Bà bảo nhìn hai đứa cháu gái ngày hè chỉ ôm ti vi với máy tính cũng ái ngại. Đưa cháu ra công viên Tuổi trẻ gần nhà chơi nhưng một lúc là chán vì công viên vừa hoang hóa vừa sơ sài.

Một trong những điểm vui chơi có ích, vừa rèn luyện sức khỏe, kỹ năng, vừa vui chơi trong dịp hè chính là bể bơi. Vào hè, hầu hết các bể bơi ở Hà Nội đều đông nghịt người, nhất là vào ngày cuối tuần. Cũng như mọi năm, vừa mới vào đầu hè nhưng các bể bơi đều quá tải.

Hà Nội có các bể bơi từ bình dân đến cao cấp, giá từ 50.000đ - 60.000đ/người như bể bơi Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy, Thủy Lợi. Trong một số trung tâm vui chơi thì giá có thể lên đến hơn 200.000đ/người. “Với giá cả như vậy, cố lắm thì tuần cũng chỉ cho con đi bơi được đôi lần”- chị Thanh tâm sự.

Chẳng biết đến bao giờ các công viên mới thoát khỏi tình trạng đơn điệu, sơ sài? Với vé vào cổng có giá 5.000 đồng, những gì mà trẻ em được thấy trong Công viên Thủ Lệ bao năm qua vẫn là hình ảnh của những chú khỉ “nhốt” trong những chiếc chuồng bé xíu bốc mùi nồng nặc.

Số lượng và chủng loại thú tại đây hầu như không thay đổi. Vào những ngày nghỉ, đặc biệt các dịp lễ, số lượng khách thường trong tình trạng quá tải. Còn các trò chơi như tàu điện, đu quay, nhà bóng… vừa gây ồn ã vừa cũng đã cũ kỹ, xuống cấp lại thu vé riêng khá đắt.

Vì thế, nhiều phụ huynh dù biết có dù có thể gây nhàm chán, mệt mỏi cho trẻ nhưng vẫn phải tiếp tục chọn cho con những lớp học thêm, các lớp học năng khiếu như ngày thường vì không biết chọn phương án nào hơn.

Vậy làm thế nào để giúp trẻ vừa có có những kỳ nghỉ hè ý nghĩa vừa thuận tiện cho các bậc phụ huynh? Theo cô Nguyễn Thu Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Yên (Hai Bà Trưng) thì trẻ em cần được giáo dục toàn diện chứ không chỉ là những con chữ. Nhiều bậc cha mẹ cứ than tránh chuyện con trẻ mải mê chơi điện tử, nhưng quả thật rất khó gỡ các em khỏi trò tiêu khiển này vì với các em hiện này dường như chẳng có gì hấp dẫn hơn điện tử.

Nên chăng các bậc cha mẹ cần tạo cho con trẻ có cơ hội để thể hiện khả năng của mình bằng cách khuyến khích con tham gia việc nhà, có thể cùng con đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ đơn giản để con có thể hoàn thành trong khả năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa hè nào cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO