Mưu sinh mùa nắng nóng

Hạnh Nguyên - Quang Khánh 12/05/2020 08:00

Sau lệnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, người dân bắt nhịp vào guồng máy phát triển kinh tế, chăm lo sản xuất. Tuy nhiên, những ngày qua, nhiều tỉnh thành trong cả nước phải đối chọi với đợt nắng nóng gay gắt. Như mọi người vẫn nói, trong những ngày nắng nóng “dân áo tơi” là những người khổ nhất.

Mưu sinh mùa nắng nóng

Người nông dân Hà Tĩnh trên cánh đồng nắng gắt. Ảnh: H.Nguyên.

Hà Tĩnh: Nắng quá, phải bỏ lúa lại ruộng

Hơn 11h trưa 11/5, mặt trời đứng bóng, nắng chiếu khô khốc, giữa cánh đồng Đội Rộc (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) vẫn còn nhiều nông dân “đội nắng” gồng gánh gom thóc dưới ruộng để kéo về. Sau gần 6 tháng trời chăm bẵm, đến ngày thu hoạch, dù “nắng nẻ trời” họ vẫn phải ra đồng gặt lúa.

Vừa vác bao lúa nặng 4 yến dưới ruộng lên, chị Phạm Thị Thanh (khối phố Bắc Quý, phường Thạch Quý) vội vàng tìm bóng râm bên đường để nghỉ ngơi lấy lại sức. “Giờ đang nắng thế này nhưng dự báo chiều mưa giông nên vợ chồng tôi tranh thủ buổi sáng gặt nhanh, đưa lúa về cho kịp kẻo mưa. Giờ tôi mang về nhà chứ không dám phơi”- chị Thanh vừa lau mồ hôi, vừa thở hổn hển nói.

Thời tiết khắc nghiệt đã chớ lại bị mất mùa nên nông dân càng vất vả hơn. Cấy 5 sào ruộng nhưng năm nay chị Thanh có tới 2 sào mất mùa (tỷ lệ hạt lép chiếm khoảng 40%). “Do đợt trổ bông gặp mưa rét lại bị sâu bệnh nên lúa bị lép, đến nỗi nhiều nhà bỏ lúa, không thu hoạch nữa”- chị Thanh chỉ vào ruộng lúa trơ ngọn nói.

Ngồi cạnh chị Thanh là vợ chồng ông Đậu Văn Lương (85 tuổi, khối phố Bắc Quý), dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lương vẫn phải cấy 3 sào lúa để ăn. Con cái đều đi làm ăn xa không thể về giúp thu hoạch, hai ông bà già cả phải tự thân vận động. “Nắng quá, không đủ sức kéo về hết một lúc nên tôi để mấy bao lúa dưới ruộng, chiều nay nếu hồi sức sẽ ra đem về”- ông Lương thở dài.

Ở địa phương này, nắng nóng diễn ra suốt 4 ngày (từ ngày 7 đến ngày 10/5) với nền nhiệt phổ biến trên 37 độ C, vùng núi từ 39 độ C đến 42 độ C. Riêng tại “chảo lửa” Hương Khê, nhiệt độ ngoài trời có lúc chạm ngưỡng 44 độ C.

Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cảnh báo, năm nay tại Hà Tĩnh, tình trạng nắng nóng sẽ diễn biến phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc sẽ thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài và mùa nắng nóng năm nay sẽ kết thúc khá muộn so với những năm trước.

Ông Hoàng Song Hào- Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bước vào mùa nắng nóng, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp bệnh nhân nhập viện liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa. Hiện tại, Khoa Tim mạch và Khoa Nhi của bệnh viện có khoảng 110 bệnh nhân, mỗi ngày 2 khoa này tiếp nhận bình quân 28-30 ca bệnh.

Mưu sinh mùa nắng nóng - 1

Trên cánh đồng nắng nóng ở Hà Tĩnh.

Duyên hải miền Trung: Hệ thống hồ chứa nước đang cạn dần

Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, những ngày này đang nóng như nung. Cái nóng kéo dài suốt từ Bình Định vào tới Bình Thuận. Đã thế lại thêm tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tại đây, người dân đang đứng trước nguy cơ phải đối diện với trận hạn lịch sử trong 2 năm liên tiếp. Đại hạn “gối đầu”, nhiều địa phương trần mình trong nắng nóng.

Tỉnh Bình Định có 165 hồ chứa thủy lợi, hiện dung tích các hồ chứa chỉ đạt 323/590 triều m3 (chiếm 55% dung tích thiết kế). Trong khi đó, tổng dung tích trong các hồ thủy điện đạt khoảng 34,3% so với toàn bộ dung tích thiết kế, thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm khoảng 28,6%.

Tại Khánh Hòa, hệ thống hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã xuống mức thấp, chỉ đạt trung bình 58% so với tổng dung tích thiết kế. Tỉnh Khánh Hòa hiện có 19 hồ chứa nước lớn với dung tích thiết kế gần 250 triệu m3. Tuy nhiên, dung tích các hồ chứa này hiện chỉ đạt 143 triệu m3, thấp hơn rất nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 (đạt 226,8 triệu m3); tại nhiều hồ chứa có dung tích cao như hồ Đá Bàn, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành... chỉ đạt tỷ lệ 39-50% so với dung tích thiết kế.

Tình hình nắng hạn cũng diễn biến nghiêm trọng tại Bình Thuận. UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn, yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy; hiện nay, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng 27,4 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các địa phương trong tỉnh đang chống chọi với tình trạng hạn hán, nông dân không có nước sản xuất. Vụ Đông – Xuân vừa qua, toàn tỉnh đã phải cắt giảm hơn 15.400 ha lúa để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc gia cầm và cây trồng lâu năm.

Tại Ninh Thuận, theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh, hiện nay toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Nhưng do hạn hán đến nay chỉ còn khoảng hơn 65 triệu mét khối (31% tổng dung tích thiết kế).

Để tránh nắng nóng, trên những ruộng lúa dọc theo QL1A ở huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), nông dân phải chuyển sang thu hoạch lúa vào buổi tối. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài vào thời điểm từ 11 đến 16h, tránh tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt. Ông Phạm Quyết (phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới) gạt mồ hôi trên mặt, nói: “Để sống chung với nắng nóng, tôi ra đồng từ lúc sáng sớm nhưng đợi máy gặt lúa hơi lâu, bởi máy gặt lần lượt ruộng này xong mới tới ruộng khác, khu vực này xong mới đến khu vực khác. Rất vất vả”. Quảng Nghĩa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh mùa nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO