Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017: Giải đáp băn khoăn tuyển sinh

Thu Hương 27/02/2017 00:26

Ngày 26/2, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp tổ chức. Tham dự Ngày hội, các em học sinh lớp 12, phụ huynh, giáo viên được Ban tư vấn của chương trình giải đáp các thắc mắc, cung cấp các thông tin chính thức về kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh thu hút rất đông thí sinh tham gia. Ảnh: TTO.

Tư vấn hữu ích

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Nghĩa- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có một số điểm mới về phương án thi như tăng cường thi trắc nghiệm, có thêm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội… Những thay đổi này nằm trong lộ trình đổi mới kiểm tra, đánh giá, tác động đến quá trình dạy học, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Vì vậy, thí sinh và phụ huynh, nhà trường cần được tư vấn, chia sẻ những thông tin cần thiết, chính xác nhất để từ đó chọn ngành, chọn nghề sau khi tốt nghiệp THPT cho phù hợp.

Đây là năm thứ 15 tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ban tư vấn của Ngày hội gồm 20 thành viên là lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Giáo dục ĐH và Vụ Giáo dục trung học của Bộ GD&ĐT; Ban Tuyển sinh quân sự và Cục Nhà trường thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Đào tạo, Bộ Công an.

Đặc biệt, năm nay còn có sự tham gia của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH. Cùng với đó là đại diện của ĐHQG Hà Nội và nhiều trường ĐH như: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Báo chí và tuyên truyền,…

Đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn tâm lý - hướng nghiệp, giúp các em học sinh “gỡ rối” lựa chọn ngành nghề và quyết định con đường tương lai của mình.

Có mặt tại khu vực tư vấn dành cho các nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Y dược, em Nguyễn Hữu Toàn (lớp 12A3, Trường THPT Cao Bá Quát, Hà Nội) cho biết: “Em muốn theo học ngành cơ khí nhưng không rõ có những trường nào, chương trình đào tạo của các trường khác nhau ra sao và cơ hội việc làm sau này. Em đã đến từng gian tư vấn của các trường như Bách khoa, ĐH Công nghiệp Hà Nội… để nghe giải đáp trực tiếp. Mặc dù thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí và website của trường nhưng phương án xét tuyển của các trường có những thay đổi nên đến đây, được nghe các thầy tư vấn trực tiếp em vẫn cảm thấy dễ hiểu, yên tâm hơn”.

3 nguyên tắc đăng ký nguyện vọng

Có mặt tại Ngày hội, ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã hướng dẫn các thí sinh cách ghi phiếu xét tuyển hợp lý, tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể, năm nay thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường, số ngành. Tuy nhiên, nếu không cân nhắc cẩn thận thì rất có thể thí sinh sẽ rơi vào tình trạng đăng ký cho xong, ngành đỗ cũng chưa chắc muốn học, như vậy sẽ rất lãng phí cơ hội của bản thân và lãng phí tiền bạc của gia đình.

“Nguyên tắc khi đăng ký là thí sinh chỉ nên đăng ký những ngành mà mình yêu thích thôi, để tránh trường hợp đăng ký xong, trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không đi học. Để làm được điều đó, phải kết hợp xem kết quả học tập trên lớp, kết quả thi thử cùng mức điểm để từ đó đưa ra quyết định đăng ký các ngành/trường trong mức điểm đó”- ông Nghĩa đưa ra lời khuyên.

3 nguyên tắc thí sinh cần áp dụng triệt để để tránh tình trạng trượt ĐH năm nay chính là khi đăng ký nguyện vọng, hãy nghĩ tới 3 nhóm ngành/trường mà bản thân có khả năng trúng tuyển cao. Thứ nhất là những trường mình rất thích và điểm trúng tuyển năm ngoái chỉ cao hơn một chút so với năng lực hay mức điểm thi thử của mình. Trường hợp này để khỏi tiếc nuối. Nhóm thứ hai là nhóm gần như là phù hợp hoàn toàn với khả năng, năng lực học tập của mình. Nhóm thứ ba có thể gọi là nhóm trường “chắc ăn” hơn khi mức điểm thấp hơn một chút so với năng lực của mình. Đây là để phòng trường hợp trong quá trình thi thí sinh làm bài kém hơn ngày thường một ít cũng vẫn có thể đỗ.

Trả lời câu hỏi của thí sinh rằng khi cân nhắc 3 nhóm ngành này, nên ưu tiên nhóm nào hơn, ông Nghĩa bật mí, khi đăng ký nguyện vọng, các em nên ưu tiên những ngành/trường mình yêu thích nhất lên trước thay vì nguyện vọng chắc ăn. Mạo hiểm một chút nhưng nếu lúc biết điểm, nhà trường xét tuyển mà mình đủ điểm nhưng lại để nguyện vọng mình thích ở phía dưới thì cũng mất cơ hội trúng tuyển do các nguyện vọng phía trên đã trúng rồi. Trong khi đó, nếu trượt nguyện vọng này, cơ hội cho các nguyện vọng mình không thích bằng vẫn còn ở phía sau và thường điểm không cao bằng, nhất là khi đó là nguyện vọng chắc ăn.

Hàng nghìn học sinh tham gia Ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đà Nẵng

Ngày 26/2, tại TP Đà Nẵng, hàng nghìn học sinh các trường THPT thuộc 2 tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam đã tham dự Ngày hội tuyển sinh - hướng nghiệp 2017.
Phát biểu tại Ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Đây là năm đầu tiên thí sinh được thi THPT Quốc gia ngay tại trường mà các em theo học để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng vào các trường và ngành mà các em yêu thích. Quy chế thi năm nay hướng tới việc tạo điều kiện cho thí sinh được chọn ngành phù hợp sở trường hơn là đỗ đại học ở bất cứ ngành nào.
Trong ngày hội, học sinh được tư vấn ở 3 nội dung chính: tư vấn chung về các thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia 2017; tư vấn chuyên sâu theo từng nhóm ngành, nghề; trả lời các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh ở các nhóm ngành. Mặt khác, nhiều thí sinh đã đặt các câu hỏi thắc mắc liên quan vấn đề tuyển thẳng đại học, cộng điểm năng khiếu, thời gian và cách thức thi trắc nghiệm các tổ hợp môn...

Trần Tuấn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017: Giải đáp băn khoăn tuyển sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO