Nguy cơ tai nạn lao động vẫn rất cao

Lan Hương 19/05/2017 06:00

Đó là khẳng định của Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Lễ phát động Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2017, sáng ngày 18/5 tại Hà Nội.

Cần tăng cường giám sát, thanh kiểm tra công tác an toàn lao động tại các DN.

Nỗi đau phía sau những vụ tai nạn lao động

Đã một năm trôi qua nhưng gia đình anh Nguyễn Quý Đôn ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội phải sống trong nỗi đau mất người thân do điện giật. Anh Đôn buồn rầu kể lại: Hai bố con cùng là công nhân tại Công ty lưới điện Cao thế thành phố Hà Nội. Do có sự cố tại trạm biến áp 110KV, anh và bố cùng đi sửa chữa tủ điện hỏng. Trong lúc kiểm tra, không may bố anh bị phóng hồ quang điện gây tử vong, còn anh bị bỏng 24% diện tích cơ thể.

“Đã một năm rồi nhưng giờ nỗi đau vẫn chưa thể ngoai, mọi thứ bỗng thay đổi chỉ trong chốc lát. Mọi người khi làm việc cần tuân thủ về an toàn vệ sinh lao động nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề” – anh Đôn nghẹn ngào nói.

Trên thực tế tai nạn lao động không chỉ gây tổn thất về con người, sức khỏe, kinh tế mà còn để lại hậu quả to lớn cho xã hội. Trong năm 2016, toàn quốc xảy ra gần 8 nghìn vụ tai nạn lao động, làm hơn 8.200 người bị thương, trong đó 862 người chết.

8.200 người bị thương do tai nạn lao động đã khiến dư luận không khỏi giật mình lo lắng song theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTB&XH), trong nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều tai nạn chết người và các tai nạn lao động khác chưa được ghi nhận, nhiều vụ việc có sự thỏa thuận giữa gia đình nạn nhân và doanh nghiệp, không được báo cáo, thống kê.

Qua con số điều tra từ phía các cơ sở y tế và bệnh viện tại Hà Nội số người chết do tai nạn lao động được ghi nhận cao gấp 2 lần hoặc đến hơn 2 lần hơn con số thống kê.

Coi an toàn lao động là mục tiêu phát triển

Đánh giá về tình hình tai nạn lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức và nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các yếu tố, nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới; chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu.

“Tai nạn lao động, cháy nổ nghiêm trọng xảy ra cả trong khu vực doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cả trong khu vực phi kết cấu, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động, gia đình và xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ tập trung những hành động cụ thể nào? ở đâu? để kiểm soát các nguy cơ, rủi ro trong lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trước những hậu quả nặng nề do tai nạn lao động gây ra Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm nay có chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.

Theo đó sẽ tập trung vào các nhóm hoạt động lớn như: cổ động, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, trưng bày, triển lãm về trang thiết bị bảo hộ lao động.

Tổ chức các hoạt động truyền thông về an toàn vệ sinh lao động. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động. Phát động chiến dịch thanh tra lao động trong các Bộ, ngành, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng: Chúng ta phải xem xét công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong mọi quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh và bằng những hành động, giải pháp cụ thể trong công việc hàng ngày, hàng ca lao động của mỗi người lao động, người quản lý sản xuất và người sử dụng lao động. Đặc biệt không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động trong năm 2016 là hơn 170 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là hơn 98.000 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ tai nạn lao động vẫn rất cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO