Nhiều cánh đồng ở Vĩnh Phúc bị bỏ hoang

Nguyễn Trọng Lịch 21/07/2018 08:25

Khác với các tỉnh, thành khác trong khu vực, năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện gieo cấy lúa mùa đồng loạt cách đây 3 đến 4 tuần và được coi là tỉnh gieo cấy sớm nhất so với các tỉnh, thành. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh lúa mùa đã phát triển nhanh, cây xanh tốt, bao phủ khắp ruộng đồng. Tuy nhiên, không ít địa phương trong tỉnh còn có những “bờ xôi, ruộng mật” bỏ hoang, không gieo cấy.

Đi dọc tuyến Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên dài khoảng 10 km và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, dễ dàng nhận thấy nhiều đồng ruộng để hoang, gốc rơm rạ còn nguyên vẹn. Tại ven quốc lộ 2, đoạn xã Quất Lưu (huyện Bình Xuyên) và tiếp đến là xã Thanh Trù, phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên), có cả nghìn thửa ruộng lớn, nhỏ bị bỏ hoang.

Tại xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, theo kế hoạch, vụ mùa 2018, toàn xã sẽ gieo cấy 360 ha lúa các loại nhưng đến thời điểm này chỉ thực hiện được 305 ha. Nếu như những năm trước, đa phần diện tích đất bị người dân bỏ không gieo trồng nằm ở khu vực ngoài đê, vùng chiêm trũng khó canh tác thì nay, 55 ha đang bỏ trống tại xã này được nằm rải rác ở tất cả các thôn trong xã. Hầu hết các cánh đồng hoang này là nơi chăn thả vịt, thả trâu, bò, bởi nguồn thức ăn ở đây đa dạng, phong phú.

Lý giải về việc nông dân bỏ ruộng, một số người dân tại Vĩnh Phúc cho rằng, sản xuất nông nghiệp; trong đó, có gieo cấy lúa mùa hiệu quả không cao, thông thường lời lãi chỉ trên dưới 100 nghìn đồng/sào (360 m2) với vụ lúa. Trong khi đó, công việc khác hiện nay cũng dễ tìm kiếm, tiền công khá cao, phổ biến 200 đến 300 nghìn đồng/người/ngày. Vì thế, nhiều gia đình ở nông thôn đổ dồn đi làm việc khác như công nhân khu công nghiệp, xây dựng, thợ cơ khí, làm thuê cho làng nghề ... và không có nhiều lao động mặn mà làm ruộng như trước.

Anh Dương Văn Hướng, ở thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, cho biết, nhiều làng, xã hiện nay hầu hết các gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ, đại bộ phận người trong độ tuổi lao động đã đi làm việc tại các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, lên thành phố buôn bán, làm giúp việc gia đình… thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Ngay xung quanh Khu công nghiệp Bá Thiện mới đi vào hoạt động cách đây 2 đến 3 năm đã hình thành lên những xóm làm gỗ, lập xưởng mộc, để đóng thùng hàng, kệ hàng cho các doanh nghiệp; cả trăm hộ kinh doanh phòng trọ, bán quán ăn uống… Do ngành nghề, dịch vụ đa dạng, phong phú và phát triển nhanh chóng, nên việc cày, cấy hiện nay không ít nông hộ xem nhẹ.

Đến ngày 10-7, diện tích lúa đã cấy, gieo thẳng của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 25.511 ha, đạt hơn 94% kế hoạch, bằng 94,46% so với cùng kỳ. Để khuyến khích nông dân sản xuất trong vụ này, tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ 686 tấn lúa giống các loại; tiếp tục thực hiện hỗ trợ sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn VietGAP, tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm được cơ chế chính sách của tỉnh cũng như các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng của các cây trồng...

Theo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Phúc, để tránh lãng phí đất đai, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh tuyên truyền vận đồng người dân trồng các loại rau màu khác thay thế cho cây lúa. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sớm chủ động đưa các loại cây trồng vào sản xuất vụ Đông sớm hơn để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, cung ứng cho thị trường vào dịp những tháng cuối năm. Những vùng ruộng trũng có nguy cơ ngập nước cao, người dân điều tiết nguồn nước phù hợp để chăn nuôi cá, tôm, kết hợp chăn thả thủy cầm để đem lại nguồn thu nhập hiệu quả…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều cánh đồng ở Vĩnh Phúc bị bỏ hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO