Nhiều cụm thi tạo thuận lợi cho thí sinh

Phương Linh 23/03/2016 11:29

Bộ GD&ĐT đã gửi thông báo về việc tổ chức cụm thi THPT quốc gia năm 2016 do các trường đại học và các sở chủ trì. Theo đó, trong năm 2016, trên cả nước có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì. Việc tổ chức nhiều cụm thi được đánh giá sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh, giảm bớt những lo lắng về di chuyển cũng như thuê nhà trọ…

Thí sinh trong kỳ thi ĐH, CĐ 2015.

Cơ sở vật chất có thể đáp ứng được

Năm nay, tại Hà Nội, ngoài cụm thi do sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì còn có 5 cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì. Tại TP HCM có 4 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Bên cạnh đó là hơn 100 cụm thi do các sở và trường đại học chủ trì trên cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Việc tổ chức 2 cụm thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Đặc biệt là những thí sinh vùng khó khăn, hay những thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp THPT. Những thí sinh này có thể thi ngay tại trường phổ thông đang học, chứ không cần lên thành phố dự các cụm thi do trường đại học chủ trì.

Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: Dù thi ở cụm thi nào cũng đều có trường ĐH tham gia. Bộ sẽ cử các trường ĐH tham gia cùng địa phương để tổ chức cụm thi do địa phương chủ trì, đảm bảo tính công bằng khách quan, nghiêm túc của kỳ thi. Cũng có một số ít tỉnh chỉ có duy nhất cụm thi do trường ĐH chủ trì. Địa phương sẽ có trách nhiệm chuyển thí sinh vùng xa đến trung tâm thành phố để dự thi.

Nói về đổi mới này, ông Nguyễn Tu Tập- Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn chia sẻ: Việc mỗi tỉnh thành có 1 cụm thi sẽ hạn chế bớt đi lại cho học sinh và phụ huynh. Năm ngoái tôi thấy có nhiều phụ huynh, học sinh phải đi lại từ tỉnh này qua tỉnh khác rất tốn kém. Năm nay cải tiến như thế là hợp lý, tạo điều kiện cho thí sinh và người nhà đỡ vất vả, tránh tập trung quá đông về các thành phố lớn.

“Cũng có ý kiến tổ chức nhiều cụm thi như thế, có thể có những nơi không đáp ứng được về đội ngũ cán bộ cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Nhưng tôi nghĩ về cơ sở vật chất hiện nay, ngay khu vực chúng tôi ở, nếu đứng ra tổ chức thì vẫn đáp ứng được không sao cả. Tôi nghĩ, đội ngũ cán bộ, giáo viên cứ làm nghiêm túc theo quy chế thì không lo gì cả, sẽ vẫn đảm bảo được. Chứ không nhất thiết là các trường đại học mới có thể coi thi được. Quan trọng nhất là cơ chế tổ chức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giám thị, lãnh đạo ở các điểm thi”- ông Tập nói.

Coi thi, chấm thi cần công bằng nghiêm túc

Bên cạnh ý kiến đồng tình, việc mở rộng cụm thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh, PGS Kiều Xuân Thực- Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bày tỏ sự lo lắng: Năm nay Bộ có tạo điều kiện cho mỗi tỉnh thành phố đều có 2 cụm thi, có cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp và cụm thi để tuyển sinh và xét tốt nghiệp. So với 2015 cụm thi để tuyển sinh và xét tốt nghiệp được mở rộng hơn, do đó chúng tôi cũng có chút băn khoăn. Đó là làm sao để đảm bảo tất cả cụm thi dàn trải trên cả nước đều được coi thi, chấm thi nghiêm túc như nhau, là yêu cầu có thể nói rất khó đảm bảo với 2016. Thực tế 2015, tại cụm thi địa phương cũng xảy ra tình trạng thiếu sự công bằng.

Về điều này, nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại- Hiệu trưởng THPT Well Spring (Hà Nội) nhận định: Việc tăng cường thêm giám khảo của đại học, cho bộ phận chấm thi, hội đồng chỉ lấy tốt nghiệp, theo tôi nghĩ cần phải thực hiện tốt để đảm bảo công bằng cho cả hai loại cụm thi.

“Thực ra đối với các em chỉ thi tốt nghiệp thì các em có băn khoăn về mức độ khó dễ của đề thi, chẳng hạn ở mức độ 60% câu hỏi thuộc kiến thức cơ bản, bình thường thi tốt nghiệp các em có thể được điểm 10 nhưng ở đây chỉ được 6 điểm thôi. Nhưng kỳ thi 2 trong 1 buộc phải như vậy. Khung xếp loại thi tốt nghiệp không có giỏi, khá, trung bình chỉ có đỗ và không đỗ nên việc này là việc có thể chấp nhận được”.

Còn về người coi thi, với việc huy động lực lượng là giáo viên THPT cộng với cả các cán bộ giảng viên ĐH tôi nghĩ cũng đảm bảo được. Bởi vì mọi năm khi tổ chức kỳ thi riêng, cũng đảm bảo được. Chỉ có điều hơi lăn tăn về công tác coi thi. Nhưng tôi nghĩ, nói chung cũng nên tin tưởng vào những người làm nhiệm vụ này. Còn nếu cứ e ngại các thầy cô dạy THPT sẽ thương học trò lỏng lẻo với học trò thì khó mà thực hiện.

“Sự thực là từ trước đến nay vẫn thế, giáo viên THPT coi thi vẫn đảm bảo nghiêm túc. Còn đâu có chuyện không hay, vi phạm quy chế thì nên xử lý thật nghiêm để cảnh báo cho năm sau. Chứ bây giờ với đội ngũ đông như thế mà không huy động trong kỳ thi thì cũng hơi lãng phí”- ông Đại chia sẻ.

Để bớt đi phần nào lo lắng trong khâu tổ chức cụm thi, PGS Kiều Xuân Thực đề xuất: “Bộ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc tổ chức thi và chấm thi ở các cụm thi ở tỉnh, thành phố diễn ra một cách công bằng nghiêm túc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều cụm thi tạo thuận lợi cho thí sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO