Nỗi lo thiếu lao động chất lượng

Quốc Định 31/07/2018 08:00

Cũng như cả nước, TP Hồ Chí Minh đang tồn tại nghịch lý lớn đó là doanh nghiệp (DN) thiếu lao động có trình độ cao, trong khi nhiều sinh viên, học sinh sau khi đào tạo ra trường phải làm trái ngành trái nghề.

Nỗi lo thiếu lao động chất lượng

Lao động tay nghề cao hiện vẫn trong tình trạng thiếu hụt.

Ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, hiện nhiều trường đào tạo nghề trên toàn quốc hàng năm cho “ra lò” hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc 3/7. Song tỷ lệ thợ lành nghề chỉ chiếm vài phần trăm, còn lại khi DN tuyển dụng đều phải đào tạo lại, nhanh vài ba tháng, lâu có tới hàng năm.

Theo lẽ thường, một công nhân cơ khí khi tốt nghiệp trường dạy nghề sẽ thành thạo các công đoạn của ngành cơ khí như tiện, phay, nguội, hàn... Song trên thực tế nhiều công nhân dù được công nhận có trình độ thợ 3/7, nhưng không thực hiện nổi một mối hàn đơn giản nhất, chưa nói đến gia công những bộ phận máy móc tinh vi.

Được biết, Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ X. Trong đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết phát triển với ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập kinh tế quốc tế đang là nhu cầu cấp bách.

Nhu cầu nhân lực tại TP HCM giai đoạn 2018-2025 dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 việc làm (150.000 việc làm mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 28%, sơ cấp nghề 21%, cao đẳng 16%, đại học 18%, trên đại học 2%.

Trong tổng nhu cầu nhân lực, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 21%, 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 55%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 24%.

Điều này cho thấy, tăng năng suất lao động đang là thách thức lớn. Đến nay, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot. Vì vậy, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ và thông qua đào tạo để nâng cao chất lượng lao động.

Trong lĩnh vực kinh tế, lao động qua đào tạo nghề góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực trước hết là đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, từ lao động không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính quy, lao động nhàn rỗi, sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao.

“TP nên tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động”- theo ông Trần Anh Tuấn.

Mà muốn làm được điều này thì TP HCM cần phải xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động gắn với các tỉnh/thành khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động một cách phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo thiếu lao động chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO