'Nút thắt' không phải điểm sàn

Đoàn Xá 18/08/2017 09:00

Với mục đích ngăn chặn tình trạng thí sinh có điểm quá thấp được tuyển vào các ngành sư phạm, người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa cho biết, sẽ có phương án điểm sàn riêng dành cho các ngành sư phạm.

Mục đích là nâng cao điểm đầu vào của ngành sư phạm, qua đó giúp cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, yếu tố quan trọng nhất, là trọng tâm các cuộc cải cách của cả nền giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy điểm sàn không phải là nguyên nhân cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Và nếu cứ tập trung gỡ “nút thắt” này, ngành giáo dục cũng khó có thể thu hút được nhân tài.

Có một thực tế là muốn thu hút nhân tài (hay các thí sinh điểm cao) thì buộc phải bỏ thêm các chi phí. Không thể chỉ bằng các quy định, hay cơ chế mà không có nguồn đầu tư thích hợp dành cho giáo dục, nhất là đội ngũ giáo viên.

Nói nôm na, ngành giáo dục nếu không bao cấp đầu ra, tức là tạo việc làm cho các sinh viên sư phạm (vì đây là mô hình cũ bỏ đi) thì cần có chính sách tiền lương, thưởng cũng như các ưu tiên khác. Khi các ưu đãi này đủ tốt, thì những thí sinh điểm cao sẽ tự tìm các trường có ngành sư phạm, thay vì tình trạng như hiện nay.

Hiện nay, ngành sư phạm đang bộc lộ nhiều bất cập. Lấy ví dụ khoảng thời gian 5 năm qua, số lượng các trường ĐH, CĐ, trung cấp nghề... trên cả nước đã tăng rất nhiều, thậm chí tăng vọt.

Ngay cả các trường thuộc hệ phổ thông cũng tăng. Báo cáo hàng năm cho thấy, các trường mới, phòng học luôn luôn được đầu tư, xây mới với số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Nghĩa là nhu cầu thực tế của ngành giáo dục vẫn tăng. Thế nhưng sinh viên ngành sư phạm ra trường lại thất nghiệp nhiều hơn. Và đằng sau cái nghịch lý này cũng có rất nhiều nguyên nhân, mà người đứng đầu ngành giáo dục cần giải quyết tận gốc.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, điểm sàn không phải là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề mà điều cần thiết là giúp ngành sư phạm có được sức hấp dẫn đối với thí sinh, nhất là thí sinh giỏi.

“Nếu không có thí sinh giỏi nào mặn mà với ngành sư phạm thì mức điểm sàn quy định sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Điều quan trọng nhất vẫn chính là lượng thí sinh chất lượng tìm đến với ngành giáo dục, chứ không phải mức điểm xét tuyển vào ngành giáo dục cao hay thấp”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Có thể nói, đã đến lúc người đứng đầu ngành giáo dục phải thẳng thắn nhìn trực diện vào những nguyên nhân khiến cho người học giỏi, người tài không chọn lựa ngành sư phạm.

Đó là vấn nạn xin việc khó khăn, ít cơ hội thăng tiến hay môi trường làm việc ngày càng vất vả, luôn luôn phải thay đổi, đổi mới...

Giải quyết tận gốc vấn đề mới mong thu hút được nguồn lực nhân tài cho ngành giáo dục, và đó cũng là tương lai kế cận của ngành này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nút thắt' không phải điểm sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO