Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hiểm đang bị bỏ qua

Bảo Châu 24/07/2017 08:15

Cùng với sự phát triển của các đô thị, ô nhiễm tiếng ồn cũng ngày càng lớn đến mức báo động. Mặc dù là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác. Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng cảnh báo rằng tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt.

Tiếng ồn giao thông tác động nặng nề tới cuộc sống người dân.

Sống chung với tiếng ồn

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì trong vòng 3 thập kỉ trở lại đây nạn ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và chất lượng sống của con người. Tại Mỹ hằng năm người ta đã phải tốn hơn 5 tỷ USD để chữa trị cho những bệnh nhân bị ô nhiễm tiếng ồn.

Ở Việt Nam, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, đối với khu vực đặc biệt (là những khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác), tiếng ồn cho phép từ 6 đến 21h là 55dB, từ 21h đến 6h sáng hôm sau là 45dB.

Còn đối với khu vực thông thường, chẳng hạn khu chung cư, nhà ở trong hẻm, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính... thì từ 6 đến 21h là 70dB, từ 21h đến 6h sáng là 55dB. Thế nhưng trên thực tế, chúng ta phải sống chung với tiếng ồn quá định mức cho phép một cách thường xuyên.

PGS TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong ba nguồn gây tiếng ồn chính ở đô thị, gồm hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng - dịch vụ thì tiếng ồn giao thông là nặng nề nhất. Những kết quả đo đạc tiếng ồn trên nhiều tuyến đường TP Hồ Chí Minh đều vượt mức cho phép nhiều lần.

Trong thành phố có khá nhiều điểm rất ồn, chẳng hạn các nút giao thông vòng xoay Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã sáu Dân Chủ, ngã sáu Phù Đổng và cả các tuyến đường chính trong nội thành vào giờ cao điểm. Ngay cả trong đêm khuya, tức là từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng, mức độ tiếng ồn đo được vẫn quá giới hạn cho phép...

Còn tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội cho thấy, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA).

Tại Hội thảo ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe và biện pháp dự phòng vừa được Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tổ chức, PGS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động ở tất cả các ngành nghề, có khoảng 10-15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định.
Có thể gây ra bệnh tâm thần.

Theo PGS Doãn Ngọc Hải tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ 2 sau bụi.Tiếng ồn tác động lên con người ở 3 khía cạnh: che lấp âm thanh cần nghe làm suy giảm phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây bệnh đối với thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi.

Nếu sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn thì không chỉ gây tâm thần mà còn gây tổn thương đối với phần tai trong, dây thần kinh thính giác bị teo lại…

Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học từ ngữ của chúng ngay từ những năm đầu đời.

Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là đối với những cư dân đô thị.

Hiện nhiều bệnh viện đã tiếp nhận khám những trường hợp là người dân đô thị, công nhân may, dệt, giày da; thợ mộc, thợ xưởng cưa, những người làm quán bar, DJ âm nhạc... bị bệnh do tiếng ồn phát ra.

Kết quả khám, mức độ nhẹ thường là bị mệt mỏi, stress, ù tai, rối loạn tiền đình, ảnh hưởng thần kinh số 8 và nặng là bị giảm thính lực, mất khả năng nghe nghiêm trọng.

Để hạn chế mức độ ô nhiễm tiếng ồn nhiều nước trên thế giới hiện đang áp dụng nhiều phương pháp mới. Tại châu Âu, người ta đã đưa ra nhiều đạo luật mang tính bắt buộc áp dụng cho các cơ sở sản xuất các phương tiện giao thông, quy định những nơi các phương tiện này không được phép đi vào, lắp các thiết bị hấp thụ tiếng ồn, thậm chí phạt nặng những phương tiện không có các chi tiết giảm ồn và nhiều giải pháp mang tính tình thế khác…

Ở Việt Nam, theo các chuyên gia về y tế và môi trường, cần phân biệt rõ các loại nguồn gây ồn để từ đó quy hoạch và loại trừ những nguồn ồn không chấp nhận được, cụ thể là loại chấp nhận được vì không vượt quá mức quy định; loại vượt quy định nhưng có khả năng khắc phục; loại vượt quy định và không thể khắc phục được; cuối cùng là loại không được phép phát ra trong đô thị.

Đối với những nguồn gây tiếng ồn không khắc phục được, nếu là xe các loại thì không cho phép lưu thông trong những giờ nhất định, còn nếu là máy móc thì phải chuyển đổi địa điểm hoặc thay đổi kết cấu để giảm hẳn tiếng ồn.

Riêng với nguồn gây tiếng ồn không được phép có trên đô thị thì phải dùng biện pháp mạnh là cấm hẳn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô nhiễm tiếng ồn: Mối nguy hiểm đang bị bỏ qua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO