Phát triển chính sách Bảo hiểm y tế bền vững: Cần những giải pháp gì?

Khanh Lê 28/12/2019 06:13

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được 2 yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, có thể thấy độ bao phủ thì lớn, nhưng nguy cơ “vỡ quỹ” lại cao, bởi thực trạng hiện nay đang là “đóng thì ít, hưởng thì nhiều”, cùng chia sẻ lại thấp, thậm chí là không có. Điều này không làm cho chính sách BHYT trở nên bền vững được. Hai yếu tố này, chúng ta đều phải đặc biệt quan tâm.

Phát triển chính sách Bảo hiểm y tế bền vững: Cần những giải pháp gì?

Ông Bùi Sỹ Lợi.

Còn nhiều thách thức

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) ra đời năm 2008 và đến năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Một năm sau đó, năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Đây là những bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Báo cáo của BHXH cho biết, năm 2018, toàn quốc có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT), trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người, tăng gần một triệu người so với năm 2017 (tương đương tăng 6,3%). Đến năm 2019, toàn quốc ước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 1,7% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).

Có thể thấy, Nghị quyết 68 của Quốc hội đáp ứng được yêu cầu hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó BHYT được coi là một trụ cột quan trọng. Tuy nhiên tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển bền vững bảo hiểm y tế toàn dân” do Báo Nhân Dân tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, qua giám sát về việc triển khai chính sách BHYT cho thấy, dù số lượng tăng, độ bao phủ tới 90%, nhưng số lượng người dân được Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách chiếm tỷ trọng rất cao, có lúc chiếm tới hơn 70%. Điều này nghĩa là, ngân sách chi cho BHYT vẫn rất lớn.

Cũng theo đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi, hiện việc phát triển chính sách BHYT và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng miền. Một số vùng, miền điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa thì việc chăm sóc sức khỏe vẫn chưa đạt yêu cầu. Người dân được tham gia, nhưng dịch vụ y tế cho vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu, dẫn đến có sự chênh lệch về hưởng lợi dịch vụ BHYT đối với người dân ở các vùng miền.

“Có những lúc, chúng ta phải báo động rằng, người nghèo đang tham gia BHYT để tạo cơ hội cho người có điều kiện và người ở vùng đồng bằng được hưởng lợi BHYT cao hơn. Đáng chú ý mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90%, nhưng chúng ta vẫn có tới 10% chưa tham gia BHYT. 10% này mới là điều đáng lưu ý bởi hộ gia đình, người có thu nhập cao, người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT để làm cho quỹ BHYT tăng lên nhưng chưa tham gia, mà chủ yếu họ tham gia BHYT tự nguyện, hoặc có một bộ phận dân có đời sống cao lại khám chữa bệnh ở nước ngoài”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phát triển chính sách Bảo hiểm y tế bền vững: Cần những giải pháp gì? - 1

Phát triển chính sách BHYT bền vững vẫn là một thách thức lớn.

Thay đổi hình thức tuyên truyền

Chia sẻ quan điểm làm thế nào để phát triển chính sách BHYT được bền vững, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phát triển BHYT bền vững phải thỏa mãn được hai yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi khám, chữa bệnh mà không có BHYT. Thứ hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính. Đây là vấn đề rất quan trọng, có thể thấy độ bao phủ thì lớn, nhưng nguy cơ “vỡ quỹ” lại cao, bởi thực trạng hiện nay đang là “đóng thì ít, hưởng thì nhiều”, cùng chia sẻ lại thấp, thậm chí là không có. Điều này không làm cho chính sách BHYT trở nên bền vững được. Hai yếu tố này, chúng ta đều phải đặc biệt quan tâm.

“Vấn đề quan trọng là, tỷ lệ bao phủ 10% còn lại, chúng ta cần tập trung vận động, tuyên truyền, làm sao để đối tượng này có thể tham gia vào hệ thống BHYT của cả nước, điều đó sẽ giúp nguồn quỹ tăng lên. Thứ hai là, mức đóng hiện nay của chúng ta đang là 4,5%; nhưng Luật cho phép là 6%, chúng ta hoàn toàn có dư địa. Nhưng nếu tăng nhanh, cũng sẽ gây áp lực cho người dân, cho doanh nghiệp, vì vậy cần có lộ trình và không thể nâng ngay lên được. Quan trọng là, phải sử dụng nguồn vốn này một cách hiệu quả”- ông Lợi nhấn mạnh.

Rõ ràng, với mong muốn những người có thu nhập cao đóng góp và hạn chế dần những người mà ngân sách phải hỗ trợ, mà cách thức của chúng ta đang đi theo hướng đó. Vì tỷ lệ hộ nghèo giảm dần đi thì Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ. Tỷ lệ Nhà nước phải hỗ trợ từ 70% giảm dần xuống 60%, và giờ là 40%.

Một giải pháp quan trọng để phát triển chính sách BHYT bền vững theo ông Lợi cần thay đổi cả phương thức tuyên truyền lẫn thay đổi cách thức dịch vụ của BHYT, để cho người dân vừa nhận thức được, đồng thời điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra sự hấp dẫn, nói cách khác là tạo ra sự hài lòng của người dân đối với BHYT. Người dân thường nhìn vào kết quả thực hiện, nhìn vào việc làm của Nhà nước để quyết định tham gia hay không tham gia BHYT.

“Chính đối tượng còn lại này (10%), tôi cho là khó khăn nhất, mà chúng ta cần tập trung để xử lý vấn đề này. Nếu 10% này tham gia sẽ chiếm tỷ trọng rất quan trọng trong quỹ BHYT. Do đó, theo tôi thì chúng ta cần tập trung vào hai giải pháp. Thứ nhất, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức rằng tham gia vào chính sách BHYT, đó chính là quyền và nghĩa vụ, nhưng cũng chính là việc thể hiện tính cộng đồng xã hội. Điều này là quan trọng, chúng ta cần làm sao để người dân nhận thức được việc tham gia là để xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp chia sẻ. Thứ hai, về phía Nhà nước, chúng ta phải thay đổi cách thức dịch vụ để nhận được niềm tin và sự hài lòng của người dân”- ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển chính sách Bảo hiểm y tế bền vững: Cần những giải pháp gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO