Quảng Nam, Quảng Ngãi: Ngổn ngang sau lũ

Tấn Thành - Chí Đại 19/12/2016 14:10

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, nước đã rút xuống, nhưng những gì nó để lại khiến nông dân phải đau lòng. Bởi vì nhà cửa, vườn tược, đường sá,… đầy bùn, đất. Những cánh đồng lúa, hoa màu hoang tàn, chết úa.

Ông Nguyễn Văn Hinh (50 tuổi), trú thôn Thế Bình,
xã Nghĩa Hiệp, nét mặt buồn rầu, xót xa.

Trắng tay sau lũ!

Sáng 19/12, phóng viên Đại Đoàn Kết đã dùng xe máy trên vượt 100 cây số trở lại vùng rốn lũ ở các xã của huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành… của tỉnh Quảng Ngãi, chứng kiến nỗi hoang tàn sau lũ và cả nỗi đau của người dân.

Tại xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tại nhiều nhà dân nước vẫn tràn ngập trong sân, bùn lầy nhầy nhụa… Chủ các căn nhà này đều chung vẻ mặt thẫn thờ buồn lo vì chậu hoa, cây cảnh bị lũ tàn phá.

Vừa lội trong biển nước, bưng bê dọn dẹp lại các chậu hoa, ông Nguyễn Văn Hinh (50 tuổi), trú thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp, nét mặt buồn rầu, xót xa: “Mấy ngày nay, tôi đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ, vì hơn 1.000 hoa vạn thọ, 500 chậu hoa cúc và 100 chậu hoa mào gà cùng nhiều chậu hoa, cây cảnh khác của gia đình bị nước nhấn chìm. Giờ đây, nhìn thấy cảnh hoang tàn này đau xót quá”.

Theo ông Hinh, toàn bộ vốn liếng của gia đình đổ vào vụ này để bán hoa Tết nguyên Đán năm 2017, nhưng “giờ thì trắng tay rồi chú ơi!”. Ông Hinh cho biết, mất vụ hoa này, không biết lấy tiền đâu mà lo cho gia đình và con cái ăn học.

Những sào rau của chị Trần Thị Lê (47 tuổi), trú thôn Lâm An, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, cũng xác xơ sau lũ.

Chị Lê kể rằng, gia đình chị gieo trồng 700m2 rau, lũ đi qua đã cuốn nó trôi theo, ước tính thiệt hại 30 triệu đồng.

“Với gia đình tôi đó là cả gia tài. Làm nông mà thế này thì đau đớn quá, nhưng biết làm sao bây giờ!”, người phụ nữ này không còn nước mắt, chỉ biết nấc lên.

Còn tại Quảng Nam, có mặt trên cánh đồng chuyên canh trồng rau quả ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Tại đây lão nông Trần Đình Phu đang chật vật với diện tích khoảng 3 sào rau vì sau gần 5 ngày bị nước lũ nhấn chìm.

Gia đình ông Phu đã đầu tư một đống tiền trồng hơn hai sào rau khoai chưa kịp thu hoạch thì bị lũ nhấn chìm. Bây giờ nước rút, bùn đất bám đầy trên lá, hai ngày nay, ông ra dùng nước rửa bùn để vớt còn không nắng lên chết sạch.

“Cả gia đình trông vào mất đám rau, đám khoai nhưng giờ như thế này lấy chi để sống!”, vị lão nông than.

Không chỉ ông Phu, ở Nam Phước kêu trời mà tại các địa phương như huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình… những cánh đồng hoa màu qua lũ bị phủ đầy bùn, đất, cây cối, héo rũ.

Chị Trần Thị Lê rơi lệ ngay trên đám rau của mình.

Các bãi bồi ven sông Vu Gia của huyện Đại Lộc là nơi nổi tiếng trồng rau, hoa màu như các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hồng,… thật xót xa khi lũ cướp sạch miếng cơm của bà con. Hàng trăm ha rau màu, bị ngập chìm hay lũ cuốn đi.

Đợt lũ mới nhất, toàn huyện Đại Lộc có 2.500 ha, hoa màu bị ngập sâu. Vùng thiệt hại nặng nhất là các xã Đại Nghĩa, Đại An và Đại Hồng, trong đó vựa rau ở thôn Bàu Tròn xã Đại An có đến 50ha/120ha trồng rau của huyện bị hư hỏng 100%.

Còn tính toàn tỉnh Quảng Nam có đến 531 ha lúa, 33 ha mạ, 3.770 ha hoa màu bị ngập úng hư hại.

Chưa đầy một tháng có đến 4 trận lũ đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Khó có thể nói hết nỗi đau của dân nơi rốn lũ. Bao nhiều mồ hôi, công sức, tiền của và cả cái ước mơ đón một cái Tết đủ đầy giờ đây đã trở nên gian khó.

Thầy, cô và lực lượng xung kích đang giúp Trường Tiểu học Võ Công Sáu
dọn dẹp bùn, đất sau lũ.

Khẩn trương khắc phục hậu quả!

Dù đứng trước nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi rốn lũ vẫn tích cực các biện pháp khắc phục những thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà cửa… để sớm ổn định cuộc sống, lo sản xuất vụ Đông Xuân và lo cho cả cái Tết đã cận kề.

Đáng mừng, đồng hành với dân trong lúc này còn có chính quyền, Mặt trận các cấp, lực lượng vũ trang… Điều đó thể hiện sự đoàn kết, sự quan tâm khi khó khăn nên bà con cũng cảm thấy ấm lòng.

Tại Quảng Nam, ngay từ sáng 18/12 dưới trời mưa tầm tã nhưng ở nhiều trường học vùng trũng của huyện Đại Lộc công tác dọn lũ lụt vẫn được tiến hành.

Tại trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu, ở xã Đại An, khi nước lũ bắt đầu rút, nhà trường huy động toàn bộ giáo viên đến dọn bùn non trong sân trường và lau chùi bàn ghế, dụng cụ học tập ở những phòng học bị ngập nước.

Đồng hành với nhà trường còn có hàng chục dân quân, Công an nên công tác dọn dẹp được tiến hành nhanh chóng.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 2 cơ sở ở hai thôn đều bị nước lũ ngập sâu. Đợt lũ ngày vừa rồi, trường ngập sâu 1 m nước, 13 phòng học bị vô nước, 8 phòng chức năng, sân trường cả 2 cơ sở bị xói lở hoàn toàn. Hiện chúng tôi đang tập trung nhân lực để vệ sinh.

Cô Thu cũng vô cùng cảm kích khi có sự đồng hành của lực lượng dân quân, Công an.

Công an xã Đại An giúp trường dọn bùn non trong sân trường và thoát nước.

Tại các địa phương khác, lực lượng xung kích ở thị trấn Thạnh Mỹ, xã Đắk Pre, Đắk Tôi… đã cùng bà con nhân dân khai thông các tuyến đường do mưa lũ làm sạt lở đất, đá.

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ diễn ra khẩn trương.

Hơn 300 đoàn viên thanh niên đã về các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức để giúp dân khắc phục những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.

Lực lượng tình nguyện đã đến các vùng rốn lũ để giúp các điểm trường học dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại bàn ghế. Giúp các hộ dân thiệt hại nặng dựng lại nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Thêm nữa, khi nước vừa rút, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh tỉnh dùng xe chuyên dụng tiến hành rửa bùn các sân trường trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, cùng thầy cô dọn dẹp, lau chùi bùn đất chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Tại các địa phương đang thực hiện theo phương châm “nước rút đến đâu, lực lượng xung kích có mặt ở đó” hỗ trợ người dân khắc phục lũ lụt nhằm góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam, Quảng Ngãi: Ngổn ngang sau lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO