Rào cản lớn nhất trong kỷ nguyên số

Khanh Lê 05/06/2017 08:30

Trình bày tham luận tại Hội thảo “Tương lai việc làm và tác động đối với thị trường lao động” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Đối thoại Chính sách cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search đã thẳng thắn cho rằng, năng lực tiếng Anh yếu chính là rào cản lớn nhất trong kỷ nguyên số đối với thị trường lao động Việt Nam.

Năng lực tiếng Anh của người tìm việc vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng.

“Đỏ mắt” tìm nhân lực giỏi kỹ năng và ngoại ngữ

Theo bà Mai, thông qua các báo cáo về thị trường tuyển dụng do Navigos Search và Vietnamworks thuộc Navigos Group thực hiện, có thể thấy thị trường lao động tại Việt Nam, nhất là phân khúc nhân sự cấp trung sự cạnh tranh về lương rất mạnh mẽ trong nhiều ngành nghề, trong đó bao gồm các ngành về sản xuất, tài chính, hàng tiêu dùng, bất động sản và công nghệ thông tin. “Năng lực tiếng Anh của người tìm việc vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà tuyển dụng” - bà Mai cho biết.

Trong một thông tin mà Navigos Search mới cung cấp gần đây, do quá cần kỹ sư IT giỏi ngoại ngữ mà nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải thay đổi cả quy trình tuyển dụng, khi ưu tiên tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến tuyển về chuyên môn. Nếu như trước kia, khi tuyển người, họ thường kiểm tra trình độ chuyên môn kỹ thuật trước sau đó mới kiểm tra kỹ năng tiếng Anh.

Nhưng hiện nay, họ chấp nhận tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến quy trình kiểm tra trình độ chuyên môn nhằm loại bớt những người không đạt yêu cầu ngoại ngữ.

Về chuyên môn, họ chấp nhận đào tạo lại hoặc đào tạo thêm. Có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động trong việc cung cấp dịch vụ, khi đặt Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, họ đem công nghệ sang Việt Nam để tìm những kỹ sư tiềm năng để đào tạo, do vậy, điều kiện tiên quyết là đội ngũ nhân sự đó phải giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm kỹ sư công nghệ thông tin người Việt giỏi ngoại ngữ thực sự đang là vấn đề nan giải.

Bên cạnh đó, khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), sự “chảy máu chất xám” bắt đầu có xu hướng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt đối với nguồn nhân sự cấp trung và cấp cao.

Ngày càng có nhiều nhân sự giỏi trong một số ngành như IT, kế toán/kiểm toán có những cơ hội dịch chuyển việc làm tốt tại các nước trong khu vực.. Riêng lĩnh vực IT, giai đoạn 2013-2016, nhu cầu nhân sự đã tăng gấp 3 lần, từ 6.792 vị trí (năm 2013) đã lên tới 14.997 vị trí (năm 2016).

Cần có chính sách hỗ trợ đào tạo

Để khắc phục thực trạng này, bà Nguyễn Phương Mai đã đưa ra một số các đề xuất với Chính phủ cần triển khai các quy định hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân viên, xây dựng các hướng dẫn về định hướng và khuyến khích chuyển dịch lao động trong cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó là các đề xuất khác liên quan đến định hướng giáo dục và tư vấn tuyển dụng cho các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Phương Mai khuyến nghị việc cần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp; đưa ra các kế hoạch học hỏi và phát triển phù hợp với định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc và hệ thống khen thưởng tốt để thu hút và giữ chân nhân tài.

Công nghệ và số hóa sẽ có những đóng góp quan trọng trong quá trình cải thiện năng suất, tăng sản lượng kinh tế và tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ số cũng tiềm ẩn những nguy cơ như làm cho một số công việc trở nên lỗi thời, dễ bị tổn thương và gia tăng các việc làm phi chính thức.

Về vấn đề này, báo cáo mới đây của Bộ LĐTB&XH cũng cho biết tính đến năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%.

Đáng lưu ý là lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật - công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là cho các ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện, cũng như nhân lực trình độ cao làm việc trong các ngành, các lĩnh vực có tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rào cản lớn nhất trong kỷ nguyên số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO