Sẽ thiếu nguồn lao động nếu không tăng tuổi nghỉ hưu

Khanh Lê 22/05/2019 00:00

Ngày 21/5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đây là một trong những nội dung trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Sẽ thiếu nguồn lao động nếu không tăng tuổi nghỉ hưu

Tăng tuổi nghỉ hưu cần phải gắn với quyền lợi người lao động.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không thể trì hoãn

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà hầu hết các nước hiện nay đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần”.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thì có nhiều, nhưng Bộ tập trung vào bốn lý do chính: Thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai. Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ là khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ là 55 và nam là 60, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn 2 tuổi và tiến tới sẽ san bằng khoảng cách này. Thứ ba, cố gắng bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động. Nhiều người lo ngại tuổi thọ của Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 thấp.

“Chúng tôi truy cập vào website của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với lần truy cập gần nhất ngày 6/4/2018, với 183 nước, Việt Nam xếp 41, Việt Nam đứng sau 40 nước và đứng trên 142 nước. Số năm khỏe mạnh trung bình là 17 năm sau tuổi 60, cao nhất Singapore là 21 và Nhật 20,8” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay.

Cuối cùng là bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hữu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai về vấn đề là: Số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ tốt lên, hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.

“Tất nhiên, có nhiều trường hợp ngoại lệ và nhiều người đặt câu hỏi khi có những người lao động khó có thể làm việc đến tuổi 60 và 62. Tuy nhiên con số trung bình 17 năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 là tương đối, còn nhiều đối tượng đặc thù. Vì thế, đợt này, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu, và đề xuất này để thể chế hóa Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH của Trung ương” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Tại buổi giao lưu trực tuyến chia sẻ về quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, ông Lê Đình Quảng – Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Người lao động trực tiếp trong nhà máy thì rất quan ngại vấn đề sức khỏe, bản thân doanh nghiệp cũng không mong muốn sử dụng những lao động cao tuổi. Hiện theo quy định độ tuổi nghỉ hưu của lao động vào năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 60 tuổi. Nhưng theo theo số liệu chúng tôi cập nhật được từ các tài liệu hầu như các đối tượng công nhân không nghỉ hưu đúng tuổi”.

“Tôi cùng đoàn đi khảo sát về tuổi nghỉ hưu, khi chúng tôi đi đến công ty Minh Phú ở Hậu Giang thì lãnh đạo công ty cho biết công ty của họ có khoảng 15 nghìn công nhân, nhưng mà 3 năm nay chỉ có khoảng 5-6 nghìn lao động. Còn lại những công nhân ở độ tuổi từ 35-40 không đủ sức khỏe để lao động nữa và họ phải chuyển sang những công việc khác. Đây là những con số mà khi chúng ta xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải nghe ngóng đến ý kiến của các đối tượng này. Chính vì thế, trong đề án cải cách chính sách BHXH, chúng tôi đã đề xuất hướng xử lý, như cần cải cách lại chính sách bảo hiểm việc làm, bảo hiểm thất nghiệp” – ông Quảng nhấn mạnh.

Trước ý kiến của ông Lê Đình Quảng, đại diện Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, cùng với việc sửa đổi Bộ luật Lao động, tới đây dự kiến cũng sửa luật BHXH theo đúng tinh thần của Đề án cải cách chính sách xã hội. Theo đó, sẽ có rất nhiều nội dung được sửa như về tuổi nghỉ hưu, giảm thời gian tham gia BHXH, tiền hưu trí, công thức tính tương đương tiền lương hưu cũng sẽ được thiết kế lại.

“Chắc chắn tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và đóng BHXH lâu dài. Người lao động thường muốn nghỉ hưu hoặc tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ BHXH và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả người lao động thuộc các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động. Chính vì vậy, chúng tôi mong sự chung tay, nỗ lực của mỗi người lao động cũng như mỗi doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ thiếu nguồn lao động nếu không tăng tuổi nghỉ hưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO