Sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Tiện lợi, giảm nguy cơ

Nguyên Khánh 27/03/2020 08:00

Theo Cổng dịch vụ công quốc gia, sau khi tích hợp nhiều dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia lượng giao dịch đã ngày càng tăng lên. Cụ thể, cho đến ngày 24/3 tại Hà Nội có 2.155 hồ sơ; TP Hồ Chí Minh 13.062 hồ sơ; Đà Nẵng có10.608 giao dịch trực tuyến.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Tiện lợi, giảm nguy cơ

Dịch vụ công trực tuyến ngày càng phát huy tác dụng.

Với các bộ, ngành sau khi đưa một số dịch vụ tiện ích lên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng thu hút người dân sử dụng dịch vụ này bằng hình thức giao dịch trực tuyến. Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 2.179.863 hồ sơ; Bộ Giao thông vận tải có 5.600 hồ sơ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 199.112 hồ sơ giao dịch trực tuyến.

Không chỉ giao dịch trực tuyến ở Cổng dịch vụ công quốc gia tăng lên mà tại các địa phương người dân đã dần chuyển từ giao dịch giấy tờ sang trực tuyến. Cụ thể, hơn một tháng nay, khu vực tiếp nhận và trả kết quả tại quận Bình Tân, TPHCM vắng vẻ hẳn. Nguyên nhân là bởi hầu hết người dân chọn sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, số lượng đăng ký trực tuyến tăng từ 15 - 20%. Trên thực tế, lượng hồ sơ không ít đi mà chuyển sang trực tuyến, giúp những cán bộ tại quận chỉ cần thao tác trên máy.

Không chỉ những dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phường trên địa bàn thành phố được sử dụng nhiều, các dịch vụ công tại nhiều lĩnh vực về đất đai, kinh doanh, xây dựng cũng tăng. Theo thống kê của Bưu điện TPHCM, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Sở, ngành trong tháng 3 tăng gần 25% so với tháng 2, trong đó giấy phép đăng ký kinh doanh đăng ký qua mạng đã tăng 54%, tăng nhiều nhất trong các dịch vụ công trực tuyến được sử dụng trong thời gian gần đây.

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp tục khuyến cáo người dân nếu không có việc gì quan trọng nên ở nhà càng nhiều càng tốt. Đồng thời khuyến khích các công ty làm việc trên hình thức trực tuyến, làm dịch vụ công trực tuyến; giảm đáng kể các cuộc họp không cần thiết, giữ khoảng cách trong phòng họp để tránh sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố để tuyên truyền, khuyến nghị người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến trên tất cả mọi lĩnh vục nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người. Hiện nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố đã cung cấp 280 dịch vụ công mức 3 và 437 dịch vụ công mức 4. Người dân có thể truy cập vào địa chỉ này để được hướng dẫn sử dụng và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Có thể nói, làm thủ tục hành chính trực tuyến, người dân thuận tiện hơn vì không cần phải đến trụ sở các cơ quan công quyền. Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 phức tạp thì việc không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các giấy tờ, hồ sơ, thủ tục sẽ giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

Hiện, Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 3/2020.

Các Bộ: Văn hóa, thể thao và du lịch; Tư pháp; Quốc phòng; Ngoại giao; Công an; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai các giải pháp kỹ thuật hoàn thành kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 3/2020. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tích hợp, cung cấp dịch vụ nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 30/6.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Tiện lợi, giảm nguy cơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO