Sự thật đằng sau chiếc camera

Thu Hương 14/03/2017 08:00

Điều mong mỏi của nhiều người khi gửi gắm con trẻ đến trường học để được chăm sóc, giáo dục gần đây liên tiếp trở thành nỗi thất vọng, lo sợ, phẫn nộ khi chiếc camera tố cáo nhiều sự việc đau lòng.

Cô giáo cầm dép đánh trẻ ở cơ sở mầm non Sen Vàng (Hà Nội).

Phẫn nộ vì con bị bạo hành

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc bạo hành con trẻ được phụ huynh phát hiện khi theo dõi camera. Một cô hiệu trưởng trường mầm non tư thục ở quận Bình Thạnh, TP HCM có những hành động như dốc ngược đầu một em nhỏ và có ý định vứt bé ra ngoài cửa sổ lớp do em bé này khóc và lười ăn.

Trước đó, camera lớp học tại nhóm trẻ Tuổi Hoa ở CT6, khu đô thị Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng ghi nhận hình ảnh một cháu bé 22 tháng bị giáo viên bạo hành tàn nhẫn trong giờ ăn. Gia đình khi được thông báo sự việc đã rất đau xót vì trước nay quá tin tưởng cô giáo, cũng đồng thời là hàng xóm ngay cùng tầng, cùng tòa chung cư nhà mình.

Một bé trai 15 tháng tuổi ở Quảng Bình bị cô giáo trói tay chân, nhét giẻ vào mồm, bị đánh bằng thìa ăn cơm, bị véo tai… Chứng kiến những hình ảnh đau xót đó qua camera, bố mẹ cháu đã vội đến trường để “giải cứu” con trước khi sự việc trầm trọng hơn.

Còn nhiều những vụ bạo hành nằm ở ngoài khu vực ghi hình của camera của nhà trường nhưng được những người hàng xóm thậm chí chính các cô giáo khác trong trường ghi lại bằng điện thoại. Như vụ việc ở cơ sở mầm non Sen Vàng (Minh Khai, Hà Nội) những ngày đầu tháng 2/2017 khi 2 cô bảo mẫu cầm dép đánh vào đầu trẻ chỉ vì con đi tiểu nhiều lần.

Một bé gái ở Lạng Sơn bị nhốt bên ngoài nhà công vụ giáo viên, dù gào thét khản giọng nhưng vẫn không một ai phản ứng và sau đó em đã nhặt… đồ trong thùng rác bên cạnh để ăn…

Một bé trai học ở trường mầm non công lập Quy Nhơn, Bình Định bị đánh bầm dập cũng vì đi tiểu nhiều lần.

Một bé gái bị cô giáo kéo tai, gây chảy máu vì tranh giành ghế với bạn cùng lớp.

Gần đây nhất, cô giáo dạy âm nhạc ở Long An đã đánh vào tay hàng loạt học sinh vì các em không thuộc bài, có em phải chịu đòn tới 60 cái…

Sau mỗi vụ việc được phát hiện, các cơ quan chức năng đều vào cuộc và có hình thức kỷ luật người gây ra vụ việc, phạt hành chính cơ sở giáo dục, thậm chí là giải thể cơ sở giáo dục tư thục.

Hoặc như trường mầm non Sen Vàng (Hà Nội) cũng xin giải thể sau vụ việc cô giáo cầm dép đánh vào đầu trẻ. Cô giáo ở Long An bị kiểm điểm và hiệu trưởng trường tiểu học Võ Văn Mùi, xã Đức Tân và trưởng phòng GD&ĐT cũng bị kiểm điểm...

Camera bị ngắt điện đúng lúc quan trọng

Một vụ việc thương tâm khác vừa xảy ra tại trường Tiểu học L.T.V (quận Thủ Đức, TP HCM) khi gia đình phát hiện con có biểu hiện lạ và đưa đi bệnh viện Từ Dũ thăm khám thì được bác sĩ kết luận vết rách bên trong vùng kín của cháu T. là do bị xâm hại.

Gia đình đã trình báo sự việc và cung cấp tất cả các vật chứng liên quan gồm quần dính máu, hồ sơ bệnh án của bé cho Công an Q.Thủ Đức để điều tra.

Sau gần một tháng trôi qua vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ thì bất ngờ, Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức đưa ra báo cáo khẳng định không thể có việc xâm hại xảy ra như thời gian mà gia đình phản ánh (từ 10h30-11h) vì đây là giờ học sinh đi ăn trưa, có rất đông giáo viên, bảo mẫu và học sinh.

Gia đình bé T. không đồng ý với bản báo cáo này của phòng GD-ĐT quận Thủ Đức vì theo chị H., mẹ cháu T., khi chị cùng lực lượng tới trường trình báo sự việc, yêu cầu được trích xuất camera, thì camera số 4 (nơi ghi hình gần cháu T. nhất) lại mất dữ liệu vào đúng thời điểm 11h18’-12h22’ ngày 14/2, thời điểm xảy ra sự việc.

Sau đó, chị H. được Công an Q. Thủ Đức cho biết, hiệu trưởng trường L.T.V khẳng định vụ việc camera số 4 tự dưng mất dữ liệu thời gian mà chị tố cáo là do cô lao công dọn phòng cắt cầu dao tổng. Cầu dao tổng chỉ kết nối camera số 4 nên khoảng thời gian đó mất.

Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có ai đó cố tình xóa dấu vết? Tất cả rồi sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng trước khi có kết quả pháp y, kết luận trả lời chính thức của cơ quan công an, việc phòng GD-ĐT quận Thủ Đức đưa ra bản báo cáo khẳng định “Nhà trường cũng tuyệt đối không cho người lạ vào, có camera quan sát mọi hoạt động ở trường… Việc chị H. phát hiện bé T. bị chảy máu vùng kín là do bé tự té nên chảy máu” là quá vội vàng.

Bởi thực chất, ngay cả cái gọi là “có camera quan sát mọi hoạt động ở trường” mà bản báo cáo nêu cũng đã không hoạt động đúng vào thời điểm nghi xảy ra vụ việc.

Trách nhiệm nhà trường ở đâu?

Theo phân tích của một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM, nếu như thực sự cháu T. bị té ngã ở trường trong thời gian học bán trú đến mức chảy máu như vậy, trách nhiệm của nhà trường là phải đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám chứ không phải đến khi gia đình cháu bé trình báo sự việc mới biết.

Sau đó, nhà trường lại văn bản trả lời rằng dù có camera nhưng thời điểm nghi vấn, đúng chiếc camera quan trọng có khả năng ghi lại sự việc lại không hoạt động (những cái khác vẫn hoạt động bình thường) vì bị lao công dọn phòng cắt cầu dao tổng.

Về ý kiến bé T. bị chảy máu là do nghịch bàn bị té mà bản báo cáo phòng GD-ĐT đưa ra cũng khiến nhiều người nghi ngờ.

Ngành giáo dục và xã hội vừa qua đã có một bài học đau xót về việc con trẻ tự té ngã gây thương tích ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) với sự trốn tránh trách nhiệm, dối trá của những người thầy, người cô đáng lẽ phải có trách nhiệm bảo vệ con trẻ chứ không phải là làm đau các em. Liệu đây có phải là một kịch bản cũ lặp lại?

Gia đình và dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng. Sự việc phải được làm sáng tỏ và xử lý rốt ráo. Đó là yêu cầu khẩn thiết của công lý.

Và để niềm tin vào môi trường giáo dục phải là nơi an toàn để phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình đến để học chữ, học làm người chứ không phải đặt niềm tin vào cái camera!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự thật đằng sau chiếc camera

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO