Tận dụng thời cơ dân số vàng

Thái An 27/12/2017 09:30

Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày Dân số Việt Nam. 20 năm qua, chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng, các mô hình về nâng cao chất lượng dân số đang được triển hoạt động có hiệu quả càng minh chứng cho việc Việt Nam đang chuyển dần từ những mục tiêu thuần túy về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sang những mục tiêu rộng hơn về dân số - phát triển và chất lượng cuộc sống.

Tận dụng thời cơ dân số vàng

Rèn luyện sức khỏe để nâng cao chất lượng sống.

Cơ hội đi liền với thách thức

Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Đặc biệt, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số diễn ra cùng một lúc, do vậy, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số, thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho hay, một trong những đặc điểm nổi bật của dân số Việt Nam hiện nay là mức sinh giảm, làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% vào năm 1979 xuống còn 25% vào năm 2015. Ngược lại, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64) tăng từ 53% lên 68,4% (2015). Hiện Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động - nền tảng cơ hội vàng cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia về dân số, cơ hội cũng đi liền với thách thức. Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa cao, thống kê năm 2015 cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động mới chiếm khoảng 78,8% dân số; Khoảng 70% dân số sống và khoảng 48% lao động đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, nông thôn - khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chậm được cải thiện, vẫn có tới 7,21% lao động thanh niên chưa có việc làm.

Một thách thức nữa của Việt Nam hiện nay là số lượng người già có xu hướng tăng nhanh trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm phát sinh nhiều nhu cầu mới về chi trả lương hưu, bảo hiểm, hệ thống y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc thù cho nhóm dân cư này.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử- nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, để không mất cơ hội trong thời kỳ dân số “vàng”, Việt Nam cần tập trung đào tạo lao động có trọng điểm, chú ý đến lợi thế vùng miền. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đội ngũ lao động kế cận cho giai đoạn già hóa dân số.

Giải mã thách thức

Mới đây Bộ Y tế cho hay, sẽ không thực hiện giảm sinh mà duy trì mức sinh thay thế để đảm bảo tới năm 2030, quy mô dân số đạt 104 triệu người. Như vậy lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Việt Nam thay đổi chính sách dân số, từ sinh đẻ có kế hoạch sang “nới” mức sinh. Thông tin này đã khiến nhiều người băn khoăn về tình trạng bùng nổ dân số trở lại, nhất là ở khu vực nông thôn. Từ đó dẫn tới hệ lụy mất cân bằng giới tính và thay đổi cấu trúc dân số.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về việc Bộ Y tế trình 3 phương án sinh, liên quan tới chính sách dân số, GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định: Chúng ta cũng thấy rằng, quy mô dân số Việt Nam lớn, mật độ dân số chúng ta là 280 người /km2, trong khi tỷ lệ của thế giới là 57 người/ km2. Như vậy chúng ta cao gấp 5 lần thế giới, áp lực dân số của chúng ta rất lớn. Do vậy trong 3 phương án mà Bộ Y tế đưa ra thì tôi cho rằng phương án 1 (sinh 1-2 con) vẫn được ưu tiên, hợp lý nhất tránh được tình trạng già hóa dân số. Cùng với đó, Pháp lệnh Dân số năm 2008 cũng nói rằng chỉ nên sinh từ 1-2 con, và hiện nay chưa có văn bản nào khẳng định cho phép sinh con thứ 3.

Cũng theo GS Cử, tác động của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững không phải là một trở ngại không thể vượt qua, nếu thực hiện được “3 dịch chuyển”. Bao gồm: Giảm chi phí tiêu dùng của người cao tuổi nhờ vào việc bảo vệ sức khỏe, giảm bớt bệnh tật, do đó hạ thấp chi phí y tế của người cao tuổi; Nâng cao tuổi thọ, nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh và “tuổi hoạt động kinh tế” cũng được tăng lên; Đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động theo hướng hiện đại, tăng cường đào tạo, nâng cao năng suất lao động; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và hỗ trợ già hóa tích cực.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị đội ngũ lao động kế cận cho giai đoạn già hóa dân số. Nhìn xa hơn, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta diễn ra cùng một lúc, vậy nên Nhà nước cần có những chính sách nhằm tận dụng ở mức cao nhất đối với bộ phận dân số là người cao tuổi, khuyến khích họ tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội, nhất là đối với những người độ tuổi từ 55-75 còn sức khỏe, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng thời cơ dân số vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO