Tăng cường thanh tra doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm Xã hội

Lê Bảo 04/01/2020 08:00

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2020 sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ và ngành.

Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về cải cách chính sách BHXH; về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.

Tăng cường thanh tra doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm Xã hội

Để đảm bảo quyền lợi người lao động năm 2020, BHXH Việt Nam đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý những doanh nghiệp vi phạm về chính sách BHXH.

Báo cáo của ngành BHXH cho thấy, năm 2019, ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch được giao. Trong đó, quyền lợi của người tham gia các loại hình BHXH luôn được đảm bảo. Đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người; BHXH tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 15,068 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,343 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.

Trong năm 2019, BHXH Việt Nam cũng đẩy mạnh giám định điện tử chi phí KCB BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Theo đó, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Nhìn chung, hệ thống thông tin giám định BHYT đã mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…

Chia sẻ về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ và ngành. Trong đó, tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, đề án, nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về cải cách chính sách BHXH; về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN năm 2020 và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là các quy định mới có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2020.

Bên cạnh đó sẽ giao kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc BHXH tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện. “Trong năm tới, ngành cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các đơn vị nợ, đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi bảo hiểm; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết.

Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo các nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào các nhóm đối tượng phát triển BHXH tự nguyện.

Bên cạnh đó, phối hợp với ngành bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, ngành sẽ thực hiện quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp BHTN; tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT tại các cơ sở KCB, đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường thanh tra doanh nghiệp nợ đọng Bảo hiểm Xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO