Tăng số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Lê Bảo 19/03/2020 08:00

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tăng số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Số người xin đăng ký hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến.

Tăng đột biến

Những ngày gần đây Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội khá đông người tìm đến. Trái với mọi năm thay vì đến tìm việc làm thì đa phần người lao động đến tìm hiểu, đăng ký và nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Dù đã đeo tới 2 khẩu trang và găng tay nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết – nhân viên một khách sạn ở phố cổ Hà Nội vẫn chọn cho mình một chỗ đứng thay vì ngồi hàng ghế đông người. Chia sẻ lý do đến đây, Tuyết cho biết, mặc dù khách sạn không có khách, công ty vẫn hỗ trợ đóng BHXH cho nhân viên, nhưng trước diễn biến dịch ở Hà Nội ngày càng phức tạp, nhà có con nhỏ, lại đi ở trọ, mọi thứ đều đắt đỏ nên chị quyết định chọn nghỉ việc xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. “Công ty hầu như một tháng gần đây không có doanh thu, cố ở lại thì cũng khổ mình, khổ công ty. Vốn chỉ quen với công việc sale khách sạn nên giờ tìm việc mới trong hoàn cảnh này rất khó khăn” - chị Tuyết chia sẻ.

Cũng giống như Tuyết, Mai Anh giáo viên mầm non trường tư bùi ngùi chia sẻ: “Đà này bọn em sẽ nghỉ dạy dài. Phía nhà trường tháng đầu vẫn trả lương theo hệ số, nhưng sang tháng 3 đã có thông báo không còn nguồn lực để trả lương, chỉ có thể đóng BHXH cho giáo viên. Vì thế phần lớn giáo viên ở trường chọn giải pháp đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp rồi về quê. Khi nào hết dịch lại lên Hà Nội kiếm việc”.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, trung tâm tiếp nhận 6.945 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2019. Số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 là 4.037 người, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp.

Theo ông Thảo dự báo, tháng 4 và 5 số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng đột biến do tác động của 2 yếu tố kép. Nguyên nhân vì sau nghỉ Tết, người lao động đã tích luỹ kỹ năng, chuyên môn và mong muốn tìm công việc tốt hơn nên chuyển đổi công việc. Nếu chưa tìm được việc, họ dồn hưởng trợ cấp thất nghiệp vào thời điểm này. Hơn nữa trong bối cảnh dịch Covid-19, do thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng.

Đẩy mạnh tuyển dụng online

Để hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn này, theo Luật Việc làm, khi người lao động thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được trợ cấp nếu tham gia đóng BHXH từ 12 - 36 tháng sẽ được hỗ trợ 3 tháng. Mỗi năm tăng thêm sẽ được tăng thêm 1 tháng với mức bình quân 60% của tháng lương tối thiểu. Đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để người lao động trang trải trong thời gian thất nghiệp. Ngoài kinh phí hỗ trợ hàng tháng, người lao động còn được nhân viên Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề.

Trên thực tế, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã liên kết với 16 cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo 27 nghề trình độ sơ cấp cho những người có nhu cầu. Những nghề được đào tạo phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Nhờ đó mà trong năm 2019 đã hỗ trợ đào tạo và giúp 9.000 người lao động có công việc mới ổn định.

Chính vì vậy một trong giải pháp được Hà Nội triển khai đó là tuyển dụng online. Theo đó Trung tâm giới thiệu việc làm đã thu thập nhu cầu tuyển dụng cụ thể của doanh nghiệp; mong muốn tìm kiếm việc của người lao động theo vị trí ngành nghề. Đồng thời, cung cấp cho người lao động các vị trí việc làm gắn với trình độ, nguyện vọng của họ. Sau đó, trung tâm sẽ tập hợp, gửi danh sách ứng viên phù hợp đến các doanh nghiệp; kết nối giữa hai bên thông qua hình thức phỏng vấn trực tuyến, qua email hoặc gặp trực tiếp.

“Trung tâm đã hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động cài đặt phần mềm phỏng vấn trên máy tính và điện thoại để hai bên chủ động gặp nhau. Vì thế, trong giai đoạn này, hoạt động trực tuyến đã đem lại tín hiệu rất tốt, được doanh nghiệp và người lao động ủng hộ’ – Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội từ tháng 1/2020 đến đầu tháng 3/2020, có khoảng 670 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động với 7.150 vị trí việc làm, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển tập trung chủ yếu ở các ngành kinh doanh, cơ khí điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng số người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO