Tạo điều kiện để lao động nữ tiếp cận an sinh xã hội

Nguyễn Đào 24/02/2018 07:00

Lao động nữ tại Việt Nam chiếm 48,4% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy, lao động nữ đang gặp rất nhiều rào cản trong việc làm và thu nhập, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhóm đối tượng này còn nhiều hạn chế…

Tạo điều kiện để lao động nữ tiếp cận an sinh xã hội

Lao động nữ gặp nhiều rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội.

Thực tế theo một khảo sát năm 2017 của tổ chức Oxfam đối với ngành lắp ráp điện tử tại tỉnh Bắc Ninh, nơi phụ nữ chiếm tới 90% lực lượng lao động cho thấy, có tới 71,8% người lao động phải làm thêm hơn 30 giờ/tháng và 54,5% đang làm thêm hơn 45 giờ/tháng. Thu nhập từ làm thêm giờ chiếm tới 32% tổng thu nhập và hơn 50% lương cơ bản trung bình của lao động trong ngành điện tử. Như vậy, nếu không làm thêm giờ, lao động nữ không thể trang trải các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Họ phải làm thêm rất nhiều, có khi lên tới 115 giờ/tháng hoặc phải làm thêm một công việc phụ, thậm chí không "dám" mang thai. Với những phụ nữ đã có gia đình và con cái, thu nhập quá thấp khiến họ không đủ tiền trang trải các nhu cầu thiết yếu, trong đó có chi phí giáo dục và y tế cho các con…

Các cuộc điều tra di cư cho thấy, nữ giới chiếm tỷ lệ di cư ngày càng cao (hiện tượng “nữ hóa” di cư). Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nữ giới chiếm 52,4% tổng số người di cư nội địa. Khảo sát “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” của Oxfam Việt Nam năm 2015 cũng cho thấy, có tới 60% lao động nữ trong các khu công nghiệp là lao động di cư nhưng có tới 90% phụ nữ di cư gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và chính sách công tại nơi đến. Hầu hết phụ nữ di cư và con cái họ gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Có tới 71% người lao động di cư không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công tại nơi đến, và 21,2% trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi theo cha mẹ người lao động di cư sinh sống tại nơi đến không đi học...

Đặc biệt, lao động nữ thuộc khu vực phi chính thức thì những rào cản này còn lớn hơn nhiều. Hiện, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức với điều kiện lao động không bảo đảm. Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức phải làm công việc dễ bị tổn thương lên tới 59,6%, cao hơn nhiều so với mức 31,8% của lao động nam trong khu vực phi chính thức.

Tương tự kết quả khảo sát về lao động phi chính thức tại TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (ILLSA) phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới công bố tại hội thảo “Một số vấn đề về việc làm và tiếp cận chính sách liên quan của lao động phi chính thức ở Việt Nam” mới đây cho thấy, có đến 70,6% lao động phi chính thức chỉ mới biết đến tên chính sách lao động việc làm. Đối với chính sách BHXH bắt buộc, có 37,4% mới nghe tên chính sách, 45,5% đã biết sơ qua về các chế độ. Đối với BHYT, đã có 60,2% biết sơ qua về chế độ, 19,7% biết rõ về thủ tục, đối tượng, mức đóng hưởng... Bên cạnh đó, hiểu biết và tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức rất hạn chế. Có tới 41,1% chưa bao giờ nghe nói, 20,6% mới biết tên chính sách, 25% biết sơ qua. Chỉ có 13,2% biết rõ thủ tục, đối tượng, mức đóng và mức hưởng...

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động, việc làm (thuộc ILLSA) Trịnh Thu Nga cho biết, để bảo đảm quyền lợi cho nhóm lao động di cư, cần tiếp tục các hoạt động vận động chính sách về BHXH, BHYT, giám sát ngân sách y tế, chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ, lao động di cư; các quy định về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, hợp đồng lao động; tăng cường tuyên truyền đến nhóm đối tượng này để họ có thể tiếp cận các chính sách an sinh. Về chính sách, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ của BHXH tự nguyện đầy đủ như BHXH bắt buộc là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất hằng tháng. Nghiên cứu giảm số năm đóng (có thể tối thiểu 15 năm), trong đó, chia theo nhóm tuổi và theo nghề, bởi một số nghề nặng nhọc, độc hại có thể xem xét số năm đóng ít hơn; đổi mới và mở rộng hệ thống mạng lưới thu BHXH tự nguyện qua bưu điện, ngân hàng (e-banking), thí điểm giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương để cải thiện tình hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo điều kiện để lao động nữ tiếp cận an sinh xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO