Tạo sinh kế cho rừng

Thiên Thanh 02/10/2017 10:05

Để phát huy thế mạnh nông nghiệp trên địa bàn, Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 12 chỉ số trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Tăng năng suất rừng trồng đạt 60-70 m3/ha/chu kỳ 7 năm; giá trị dịch vụ môi trường rừng 57 tỷ đồng/năm; thu hút ngân sách Nhà nước và đầu tư của nhân dân, doanh nghiệp cho sản xuất lâm nghiệp đạt 200-300 tỷ đồng, có 30 nghìn ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)...

Nhiều mô hình trồng rừng chất lượng cao đang được người dân tích cực triển khai.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội, đầu năm 2016, tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án định hướng phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030. Đề án đã chỉ rõ, nghề rừng và ngành lâm nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Do có địa hình cao, dốc trên vùng đầu nguồn, có tính nhạy cảm về sinh thái, kinh tế - xã hội dễ bị tổn thương bởi thiên tai, biến đổi khí hậu nên lâm nghiệp được xem như nền móng cho sự phát triển bền vững và buộc Hà Giang phải đi lên từ kinh tế sử dụng đất dốc.

Nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng rừng và để nghề lâm nghiệp thực sự mang lại cuộc sống ổn định cho người dân, tỉnh yêu cầu đối với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, tập trung bảo vệ rừng hiện có, khoanh nuôi các diện tích rừng đang tái sinh; phát triển rừng cung cấp gỗ, củi và lâm sản ngoài gỗ, trong đó có rừng cung cấp thảo dược…

Đối với 2 huyện phía Tây, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình cao và dốc, cần ưu tiên giải pháp phục hồi rừng bằng khoanh nuôi và phát triển rừng trồng cây gỗ quý, gỗ lớn kết hợp với kinh doanh lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; chuyển đổi trồng hoa màu thành mô hình rừng nông, lâm kết hợp.

Các huyện vùng thấp sẽ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị rừng sản xuất gắn với xúc tiến thị trường tiêu thụ, chế biến lâm sản; xây dựng vùng nguyên liệu gỗ tập trung; cải tạo rừng nghèo kiệt để mở rộng diện tích rừng sản xuất theo quy mô cánh rừng mẫu lớn với sự liên doanh sản xuất theo hình thức HTX, nhóm hộ, doanh nghiệp và cấp chứng chỉ FSC...

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay, các cấp, ngành, huyện, thành phố và mọi người dân đang nỗ lực, thực hiện tốt các giải pháp trong Đề án và đến năm 2020 trữ lượng bình quân/ha của rừng tự nhiên tăng tối thiểu 5 - 7% so với năm 2015; hiệu quả bảo vệ phát triển rừng (BV-PTR) tăng tối thiểu 15%; có tối thiểu 30% diện tích đất không có rừng được tác động thành rừng bằng các loài cây có giá trị kinh tế, cải tạo môi trường.

Đồng thời, phấn đấu toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao, cho thuê, khoán bảo vệ để rừng và đất lâm nghiệp có chủ đích thực; nghề rừng được xã hội hóa sâu sắc và tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Đề án này có tác động lớn về mặt về kinh tế, nó sẽ đưa tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt tối thiểu 1.080 tỷ đồng vào năm 2020; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 14 - 16%. Năng suất rừng trồng mới tăng ít nhất 1,2-1,5 lần vào năm 2020, ít nhất 1,5-1,8 lần vào năm 2025 so với năm 2015. Và như vậy, Hà Giang sẽ thực hiện hiệu quả Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trước đó, ngày 12/1/2017, Ban Bí thư T.Ư Đảng có Chỉ thị 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV-PTR. Chỉ thị 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế, yếu kém như: Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm...

Nhằm sớm khắc phục tình trạng trên, Ban Bí thư T.Ư Đảng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, nhân dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, mọi người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BV-PTR.

Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; xác định rõ công tác quản lý, BV-PTR là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương...

Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng đang được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tích cực hưởng ứng, với những giải pháp cụ thể, phù hợp điều kiện thực tế. Rừng sẽ được quản lý, bảo vệ, phát triển tốt, có đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và các giá trị xã hội, môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sinh kế cho rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO