Tàu chìm trên sông Hàn: Lỗ hổng lớn trong quản lý du lịch đường thủy

Dương Thanh Tùng 05/06/2016 23:29

Trực tiếp kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn chiều ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền TP Đà Nẵng chỉ đạo cơ quan chức năng sớm điều tra, khởi tố vụ án, xét xử nghiêm minh trước pháp luật để răn đe nhằm hạn chế những vụ việc nghiêm trọng tương tự xảy ra. Chiều 5/6, thi thể nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy, nhưng nỗi đau vẫn chưa dứt. 

Tàu chìm trên sông Hàn: Lỗ hổng lớn trong quản lý du lịch đường thủy

Thi thể 1 trong 3 nạn nhân thiệt mạng được tìm thấy
ở vịnh biển Đà Nẵng ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành vào cuối buổi chiều ngày 5/6. Ảnh Thanh Tùng.

Phản ứng nhanh ngay khi tàu bị chìm

Như vậy, công việc tìm kiếm 3 nạn nhân vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn đã kết thúc vào chiều 5/6. Người thân của các nạn nhân khóc ngất đi trong đau đớn.

Trước đó, khoảng 20 h25 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa - 0016, đang chở khách trên sông Hàn thì bị lật và chìm tại khu vực giữa cầu Thuận Phước và cầu sông Hàn (đối diện khách sạn Novotel). Tàu do tài công Lê Công Chí, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng điều khiển (có Bằng thuyền trưởng tàu thủy nội địa Hạng 3); chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng, Giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp ngày 19/5/2016, có hiệu lực đến ngày 20/11/2016; sức chở 28 người. Thảo Vân 2 là tàu chưa được cấp phép vận tải hành khách. Lực lượng Biên phòng TP Đà Nẵng đang tạm giữ tài công Lê Công Chí.

Trưa ngày 5/6, cơ quan chức năng xác định 56 người có mặt trên tàu ở thời điểm con tàu bị chìm gồm 53 khách (4 người quốc tịch Malaysia) và 3 nhân viên của tàu. Trong đêm 4/6 và rạng sáng ngày 5/6, các đơn vị cứu hộ gồm Cảnh sát PCCC, Biên phòng và lực lượng đặc công nước của Quân khu V đã lần lượt đưa vào bờ 50 người.

Thông tin từ cơ quan chức năng cũng cho biết, đến 11 giờ ngày 5/6/2016, còn 16 người đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện, trong đó có 4 người điều trị tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và 12 người điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi. Hầu hết các trường hợp đang điều trị đều có tiến triển tốt.

Có thể nói, lãnh đạo và lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng đã có phản ứng gần như ngay lập tức sau khi con tàu bị chìm. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND.TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn. Cùng thời điểm đó, ngoài lực lượng của Sở Cảnh sát PCCC, lực lượng của Quân Khu 5 do Thiếu tướng Ngô Quý Đức (Phó Tư lệnh Quân khu 5) chỉ huy đã đồng loạt triển khai các biện pháp cứu hộ.

Sở Chỉ huy tìm kiến cứu nạn được thành lập ngay tại khu vực bến thuyền sông Hàn. Chỉ chưa đầy 30 phút sau khi con tàu bị chìm, lực lượng tham gia cứu hộ trên sông Hàn đã lên đến trên 1.000 người cùng 200 phương tiện các loại. Quân khu 5 đã điều động đến hiện trường trung đội đặc công nước, nỗ lực lặn, tìm kiếm các nạn nhân.

Bộc lộ lỗ hổng lớn

Nguyên nhân vụ tại nạn ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do chủ tàu không chấp hành các qui định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người qui định. Cả Thiếu tướng Ngô Quý Đức (Phó Tư lệnh Quân Khu 5) và ông Nguyễn Văn Tư (1 trong các thợ lặn của Hội lặn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều xác nhận, các nạn nhân trên tàu du lịch bị chìm đều không mặc áo phao.

Nhiều người trong số các nạn nhân cho biết, họ không được nhà tàu yêu cầu mặc áo phao khi ngồi trên tàu. Con tàu chỉ có 28 ghế nhưng đã chở tổng cộng 56 người. Chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng nhưng theo lời kể của các nạn nhân thì tàu bị chìm nhanh là do nhà tàu bố trí rất nhiều ghế nhựa trên sàn tàu. Khi con tàu rời bến, có quá nhiều khách dồn sang một bên để ngắm cảnh khiến tàu bị nghiêng và lật chìm nhanh chóng.

Dù rất cố gắng nhưng cho đến chiều ngày 5/6, chúng tôi vẫn chưa thể có câu trả lời chính thức từ những người có trách nhiệm đối với hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn. Ở thời điểm này trên sông Hàn của Đà Nẵng có 25 tàu chở khách du lịch (dạo chơi, ngắm cảnh vùng thượng lưu và hạ lưu dòng sông) và hầu hết các tàu này đều là tàu cá hoán cải để chở khách.

Vụ chìm tàu gây chấn động trong đêm 4/6 đã phơi bày một lỗ hổng rất lớn trong công tác quản lý hoạt động của các tàu du lịch trên dòng sông Hàn của Đà Nẵng thời gian qua. Lỗ hổng trách nhiệm này đã từng được lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng cảnh báo từ cách đây 1 năm nhưng tình hình không hề được cải thiện, dẫn đến vụ chìm tàu thương tâm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2014, tàu du lịch Thảo Vân 2 DNa – 0016 đã từng bị chìm khi chở 10 khách du lịch đi du ngoạn trên sông Hàn.

Trong vụ chìm tàu đêm 4/6, trong khi gia đình bà Đặng Thị Hường gồm 3 con trai, 3 con dâu, 2 con gái, 9 người cháu (tổng cộng 17 người) thoát chết trong gang tấc nhờ lực lượng cứu hộ có mặt kịp thời thì trong chiều ngày 5/6, chúng tôi không khỏi cầm lòng khi chứng kiến người mẹ trẻ đến từ Thái Nguyên, lả đi trong vòng tay của mọi người khi ngóng đợi tin tức về 2 đứa con nhỏ bị chìm cùng con tàu xấu số.

Trắng đêm cùng 30 thợ lặn tìm kiếm nạn nhân, ông Nguyễn Tư, trưởng Hội lặn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vẫn không nản lòng. Mong mỏi của ông là tìm bằng được 2 cháu bé là Trịnh Kim Phượng (sinh năm 2009) và Trịnh Tiến Huy (sinh năm 2012) là chị em ruột từ Thái Nguyên, nghỉ hè theo người mẹ trẻ vào du lịch Đà Nẵng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu chìm trên sông Hàn: Lỗ hổng lớn trong quản lý du lịch đường thủy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO