Tây Nguyên: Sông hồ trơ đáy, thủy điện đóng cửa...

04/03/2016 14:00

Sông suối, ao hồ cạn kiệt trơ đáy, lưu lượng dòng chảy tại các công trình thủy lơi, thủy điện giảm nhanh và thiếu hụt nghiêm trọng đó là viễn cảnh chung tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hồ thủy lợi cạn trơ đáy.

Nắng nóng chưa đạt đỉnh nhưng hàng ngàn hécta cây trồng đã bị khô héo nằm chờ nước, còn người dân thì quay cuồng trong cơn đại hạn. Chính quyền nhiều địa phương đã khẩn trương nhập cuộc bàn giải pháp nhưng khó tránh khỏi một vụ mùa thất thu...nguy cơ đói, khát đang dần hiện rõ.

Dù chưa phải tâm điểm mùa khô nhưng cái nắng như đổ lửa, giót vào từng thớ đất, lùm cây bao trùm khắp xã Ayun, huyện Chư Sê (Gia Lai). Mọi người dân trong xã ai nấy đều căng mình chống trọi với nắng hạn. Toàn bộ diện tích canh tác, gieo trồng trên địa bàn thành một vùng đất hoang hóa, bạc trắng toàn cát với đá, không một gốc rơm dạ, cây cỏ còn sót lại trên đồng ruộng để chăn nuôi.

Mọi nguồn sống của người dân trông chờ cả vào cây lúa thì nay cây lúa cũng chẳng còn nguồn nước để sống.

Nông dân buồn rầu nhìn cánh ruộng lúa chết cháy tại huyện Chư Sê (Gia Lai).

Chị Ksor Ân, làng Grang, xã Ayun, huyện Chư Sê cay đắng nói: Nhà mình hết gạo từ hơn 2 tháng nay, phải đi mua thiếu gạo tại các quán tạp hóa trong làng với giá 500 nghìn đồng/50 kg nhưng hạn hán thế này cũng chẳng gieo trồng gì được, biết lấy gì để sống.

Trong khi đó, nhiều nông dân trồng cà phê, hồ tiêu... thì đôn đáo nạo vét, khoan giếng; ăn trực, nằm chờ thâu đêm suất sáng tại nương rẫy canh nguồn nước ít ỏi từ các giếng khoan, sông, suối, kênh mương... để cứu cây trồng. Vẻ mặt ngao ngán, anh Lê Văn Tuấn, thôn Đoàn Kết, huyện Chư Prông than thở: Chưa năm nào gia đình anh phải bỏ Tết để tưới cà phê, năm này hai vợ chồng anh phải thâu đêm trực chờ nguồn nước từ khe núi chảy ra để cứu gần 2 ha cà phê đến dịp trổ bông.

Nhiều hộ dân phải tận dụng nguồn nước ít ỏi từ sông để tắm, giặt.

Hạn hán đã biến khoảng 7000 hécta cây trồng tại Gia Lai bị thiếu nước, trong đó có 900 hécta lúa tập trung tại hai huyện Chư Sê, Chư Pứh bị mất trắng, nắng hạn cũng làm nhiều diện tích gieo trồng bị bỏ hoang tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tỉnh Kon Tum việc thiếu nước tưới phục vụ sản xuất đã đành, ngay cả khu vực thành phố hơn 400 hộ dân cũng lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước từ các sông, suối bị gần như cạn kiệt.

Trên địa bàn tỉnh đã có 541,31ha bị thiếu nước gồm: 458,51ha lúa và 77ha cà phê, 05ha rau màu, 0,8 hồ tiêu...

Còn tại các huyện Đắk Mil, Chư Jút tỉnh Đắk Nông, hạn hán cũng đang đe dọa đến hàng trăm hécta cây trồng, nguồn nước các hồ đập như Đắk Ken (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil), hồ Buôn Bua, xã Tâm Thắng và hồ Chư Bu, xã Nam Dong, huyện Chư Jút cũng trong tình trạng trơ đáy.

Vét nước từ hồ để cứu cây trồng.

Không riêng các hồ đập thủy lợi bị trơ đáy, khoảng 40 công trình thủy điện lớn, nhỏ tại Gia Lai cũng rơi xuống mực nước chết. Nhiều thủy điện nhỏ đã đóng cửa chờ nguồn nước hoạt động trở lại.

Theo ông Nguyễn Đăng Hà, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, mực nước tại hồ chứa của Nhà máy Thủy điện Sê San 4 đang ở cao trình 210,18 m so với mặt nước biển, chỉ còn 20 cm nữa là xuống mức chết. “Lưu lượng bình quân nhiều năm về hồ là 330 m3/giây nhưng hiện chỉ đạt 120 m3/giây”- ông Hà nói. Hiện mỗi ngày, nhà máy chỉ chạy từ 1 đến 3 giờ nên lượng nước trả về hạ du rất thấp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên, tình hình hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới. Nguồn nước từ các hệ thống sông, suối, ao, hồ, đập thủy lợi sẽ còn sụt giảm nghiêm trọng hơn. Nếu trong tháng 3 và tháng 4 tới tiếp tục không mưa, hoặc mưa ít thì nguồn nước thiếu hụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng như cà phê, hồ tiêu… cho niên vụ tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Sông hồ trơ đáy, thủy điện đóng cửa...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO