Thí sinh tự chịu trách nhiệm khi đòi rút hồ sơ

T.Trang (thực hiện) 27/08/2016 12:05

Trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, ở một số trường có mức điểm trúng tuyển cao, đặc biệt là ĐH Bách khoa HN đã có một số thí sinh đến trường đề đạt nguyện vọng xin rút hồ sơ.

Thí sinh tự chịu trách nhiệm khi đòi rút hồ sơ

PGS.TS Trần Văn Tớp.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN, lí do của các thí sinh thì nhiều, tuy nhiên có lí do dễ nhìn thấy nhất là các em mong muốn được chuyển sang học các trường công an, quân đội. Khi các em “tha thiết” quá, nhà trường chỉ còn cách cho các em làm đơn và cam kết tự chịu trách nhiệm khi đã rút phiếu xác nhận trúng tuyển ra.

PV: Thưa ông, trong đợt xét tuyển bổ sung, đã có một số thí sinh xin rút giấy xác nhận nhập học tại trường, ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng này?

PGS.TS Trần Văn Tớp: Tại Trường ĐH Bách khoa mấy ngày qua có hơn 10 thí sinh xin rút hồ sơ. Thường thì chúng tôi tư vấn rất kỹ với các em rằng, khi rút hồ sơ các em sẽ gặp nguy cơ không thể đăng ký bất kỳ trường ĐH nào khác, và cũng không có cơ hội quay lại ĐH Bách khoa. Nhà trường đã đưa ra đề nghị, nếu các em có nguyện vọng thì dứt khoát phải có đơn cam kết của thí sinh, và xác nhận của gia đình. Có nhiều người, bố mẹ đến làm đơn xin rút chúng tôi cũng không đồng ý, mà chủ thể phải là thí sinh. Bố mẹ có thể là người quyết định giám hộ nhưng thí sinh phải là người ký.

Nguyên nhân khi các em xin rút đơn thực ra chỉ có một nhưng các em ghi lí do nhiều lắm, ví dụ như đi học nghề, hay học gần nhà… nhưng chủ yếu là do nhiều trường công an, quân đội xét tuyển bổ sung nên các em có nguyện vọng rút ra nộp bổ sung vào các trường này. Hiển nhiên các trường quân đội có thu hút lớn, và cũng cần những thí sinh giỏi. Cộng với lí do nữa là học phí, công việc sau khi ra trường… rất phù hợp với con em nông thôn, vùng khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường cũng cảnh báo với các thí sinh và phụ huynh rằng, sau khi các em đã đăng ký dữ liệu vào 1 trường ĐH, dữ liệu sẽ được tải lên hệ thống của Bộ, các em không thể đăng ký xét tuyển vào bất kỳ trường ĐH nào khác, cũng như các trường khác cũng không thể nhận các em nếu đã được khẳng định nhập học. Đáng ra các em phải cân nhắc rất kỹ từ trước khi các em nộp hồ sơ.

Theo đúng yêu cầu của nhà trường thì đã có những trường hợp nào được giải quyết rút hồ sơ, thưa ông?

- Hiện nay về nguyên tắc, trường nhận và xử lý chính thức 2 đơn. Còn vẫn đang tiếp tục tư vấn cho hơn 10 em khác. Không ai có thể bắt các em vào một trường ĐH nào cả. Không trả giấy cho các em các em không nhập học thì cũng thế, nên chúng tôi trả. Chỉ sợ sau khi mang giấy đó đi một hồi không đâu nhận lại quay về ĐH Bách khoa thì khi đó, chúng tôi có giấy cam kết ở đây rồi, những gia đình học sinh như vậy, chúng tôi sẽ không nhận.

Có nghĩa là các thí sinh có thể được rút hồ sơ nhưng phải tự chịu trách nhiệm?

- Đúng như vậy. Có những thí sinh hiểu rõ thì không rút hồ sơ nữa vì thấy mạo hiểm, nhưng có một số trường hợp nằng nặc đòi rút. Tôi đã phải ngồi rất lâu tư vấn cho 1 thí sinh và phụ huynh về việc này. Tôi cũng đã đề nghị phải ghi rõ trong đơn là đã được nhà trường tư vấn cặn kẽ, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc rút hồ sơ ra. Rút như vậy là trái với quy định của Bộ, nhưng việc các em không đăng ký nhập học nữa thì lại không trái với quy định. Bộ khẳng định rồi, nếu các em đã đăng ký vào ĐH Bách khoa, mà xin rút hồ sơ thì các em không thể đăng ký được vào bất kỳ một trường ĐH nào khác trong đợt xét tuyển bổ sung, cũng như không có trường ĐH nào được tiếp nhận các em khi đã đăng ký nhập học 1 trường. Còn bản thân các em có quyền nhập học hoặc không nhập học. Hiện nay mới chỉ là xác nhận việc nhập học thôi. Vấn đề ở chỗ các em cho rằng, khi các em lấy được phiếu xác nhận đó ra thì có thể đăng ký vào trường khác. Quan điểm này là sai.

Một số trường chia sẻ, có thể giải quyết các trường hợp thí sinh đòi rút hồ sơ để nộp vào các trường quân đội bằng cách có văn bản lên Bộ, và được Bộ quyết định?

- Tôi cho rằng không nhất thiết phải có văn bản lên Bộ, không nên làm khó Bộ vì Bộ không nhận hồ sơ của các em. Chuyện các thí sinh này không thể là vấn đề cho các nhà trường. Giả sử trường có thiếu thí sinh thì có thể tuyển bổ sung. Nhưng vấn đề chính là các em đang ngộ nhận nên dẫn đến trường hợp cực kỳ nguy cơ bị “xôi hỏng bỏng không”, không được vào trường nào. Nên trách nhiệm của các trường là tư vấn, chứ không mai kia lại nghe thí sinh nói rằng chúng em không biết, có người này người kia nói với em nên em ngộ nhận, hay em bị lừa…

Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thí sinh tự chịu trách nhiệm khi đòi rút hồ sơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO