Thờ ơ tư vấn học đường

Lan Anh 23/10/2016 13:05

Tư vấn học đường từ lâu đã không còn xa lạ với hệ thống giáo dục. Song phần đông những người quan tâm đến lĩnh vực này đều cho rằng nhận thức của xã hội về tư vấn học đường chưa đúng tầm, nhà trường còn xem nhẹ, học sinh ngại thổ lộ, chia sẻ vì phòng tư vấn học đường chưa trở thành địa chỉ tin cậy…

Ảnh minh họa.

Hãy là bạn

Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, đặc biệt là THPT, giai đoạn có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, các em có nhiều trăn trở, suy tư, lo lắng về tâm lý, tình yêu, giới tính, sinh sản, hướng nghiệp… trong khi nhận thức của các em còn hạn chế, cộng thêm dễ bị dao động, tổn thương thì tiếc là gia đình và trường học lại chưa trở thành chỗ dựa. Vì thế tư vấn học đường được xem là một giải pháp để các em giải tỏa những lo lắng.

Tại hội thảo Công tác tư vấn học đường (TVHĐ) tại trường phổ thông do sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cho rằng, có hai nguyên tắc trong tư vấn cho học sinh là bí mật và tin tưởng. Nếu không đảm bảo hai yếu tố này khó “kéo” học sinh về phía mình. Thực tế hiện nay phòng tư vấn dường như còn thiếu độc lập với nhà trường và phụ huynh, mối quan hệ giáo viên và học sinh còn chưa thực sự hài hòa. Nếu các em đến phòng tư vấn mà giáo viên lạnh lùng nói như công an : “Có vấn đề gì em cứ nói đi”… thì làm sao các em chia sẻ cho được”. TS. Nguyên cho rằng cách tiếp cận tư vấn như vậy là chưa chuyên nghiệp. Hãy chia sẻ với các em như những người bạn chứ đừng như cảnh sát điều tra.

Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, ở lứa tuổi học trò, nếu những thắc mắc, uất ức không được tháo gỡ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Mà thường khi hậu quả xảy ra rồi người lớn mới quay sang chất vấn, hối tiếc. TS. Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) cho hay, học sinh ở bậc THCS, THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, các em rất rắc rối, phức tạp, dễ bị kích động, tổn thương. Quá trình này nếu gia đình và nhà trường chưa phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em thì trẻ sẽ xu hướng tìm đến nguồn tư vấn từ bạn bè, mạng internet, các nguồn thông tin không đảm bảo với rất nhiều nguy cơ như bị xâm hại tình dục, bị lôi kéo sa vào tệ nạn hay vi phạm pháp luật. Đôi khi do thiếu niềm tin với gia đình, thầy cô, bạn bè và không biết cách giải quyết vấn đề phát sinh, học sinh thường chọn cách tự đè nén, lâu ngày dẫn đến trầm cảm, u uất, thậm chí chọn hành động tiêu cực là tự tử.

Cùng quan điểm, TS. Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TP HCM) cho rằng hiện nay học sinh thường bị cuốn vào vòng xoáy học hành thi cử, điểm số, áp lực từ cha mẹ và nhà trường. Nhưng ngoài nhưng điều ấy, các em còn biết bao khúc mắc khác cần được giải đáp kịp thời, trong khi tư vấn học đường lại là một khoảng trống quá lớn.

Kết quả nghiên cứu đối với gần 1.400 học sinh lớp 10, 11, 12 tại 5 trường THPT ở TP HCM của Khoa Công tác xã hội (Trường ĐH KHXH-NV) mới đây với các câu hỏi khảo sát, như “Em có cảm thấy vui vẻ khi ở trường?”, chỉ có 60% học sinh trả lời cảm thấy vui vẻ; còn “Giáo viên của trường đối xử công bằng với học sinh?” thì chưa đến một nửa đồng ý cho thấy thực tế môi trường học đường chưa thực sự an toàn và thân thiện với phần đông học sinh. Theo PGS-TS Đỗ Hạnh Nga, Trưởng khoa Công tác xã hội (Trường ĐH KHXH-NV), con số 28% học sinh cho rằng không được tôn trọng và trên 23% không được giáo viên đối xử công bằng được coi là những tác nhân làm ảnh hưởng đến sự căng thẳng, tiềm ẩn yếu tố rủi ro, thiếu an toàn ở trường học.

Tin vào ai?

Khó khăn trong công tác tư vấn học đường, về phía các nhà trường, theo TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM lâu nay mục đích cao nhất ngành giáo dục vẫn tập trung hết cho việc học kiến thức. Còn các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa hoặc sinh hoạt lớp, dưới cờ, hoạt động để các em trải nghiệm cuộc sống còn rất hạn chế. Vấn đề cốt lõi là khó khăn về nguồn lực, cơ chế, chính sách cho công tác này.

Hạn chế về cơ sở vật chất tạm thời có thể khắc phục được, song cái khó lớn nhất hiện nay, theo ThS Bùi Thị Kiều, giáo viên tư vấn Trường THPT Marie Curie là yếu tố con người. Bà Kiều cho rằng phải làm sao để học sinh tin tưởng tuyệt đối khi tìm đến phòng tư vấn. Để đưa phòng tư vấn tâm lý đến gần hơn với học sinh theo bà Kiều, chúng tôi khẳng định với các em rằng mọi thông tin các em đưa đến phòng tư vấn sẽ được đảm bảo đến 99%. Còn 1% là trong những trường hợp đặc biệt, liên quan đến sự an toàn của các em thì buộc phải thông báo đến gia đình. Việc này giáo viên cũng sẽ trả trao đổi và lắng nghe ý kiến của các em. Đã có những học sinh tìm ra hướng đi từ những giải đáp hiệu quả ở phòng tư vấn nhưng tỉ lệ chưa nhiều.

Nhiều năm trước, ngành GD-ĐT TP HCM đã tiên phong trong thực hiện mô hình tư vấn học đường và hoạt động này đã được nhiều trường phổ thông quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT TP HCM), ở các trường phổ thông công lập của thành phố, mới có 89 trường có phòng tư vấn học đường và 41 giáo viên chuyên trách, còn lại đều thiếu phòng ốc, nhân sự thì kiêm nhiệm. Ở các trường ngoài công lập, tỷ lệ còn thấp hơn nhiều. Điều này phản ánh đúng thực trạng hoạt động tư vấn học đường chưa chuyên nghiệp và chưa theo kịp nhu cầu cần tư vấn, tham vấn ngày càng đa dạng của học sinh.

Phân tích về vấn đề này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đội ngũ giáo viên chuyên trách lẫn không chuyên ở các trường học chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì chưa biết cách gợi mở, chuẩn đoán tâm lý, trị liệu phù hợp nên hiệu quả tư vấn, tham vấn chưa cao, học sinh chưa tin tưởng. Có ý kiến cho rằng thay vì mở phòng tư vấn học đường nên mở rộng dịch vụ tư vấn, tham vấn qua điện thoại miễn phí để học sinh không e ngại việc thổ lộ.

Tình trạng học sinh đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trục trặc về đời sống tâm lý gia tăng, cho thấy yêu cầu cấp thiết thành lập phòng tư vấn, tham vấn học đường và tính chuyên nghiệp của giáo viên làm công tác này. Nhưng làm thế nào để chạm đến trái tim học sinh? Theo cô Lại thị Nguyệt Hằng, Hiệu trưởng Trường PTTH Nguyễn Phong Sắc thì trước hết hãy làm bạn với chúng, mỗi trường chỉ cần có giáo viên chuyên nghiệp để tư vấn, tham vấn cho học sinh thì các em đã có nơi để tin tưởng tâm sự mọi vướng mắc. Từ đó sẽ bớt đi bạo lực học đường và các nguy cơ tiềm ẩn khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thờ ơ tư vấn học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO