Thực chất lương tối thiểu

Lê Minh Long 13/08/2017 08:00

Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia, nếu Chính phủ đồng ý với mức tăng đề xuất của Hội đồng thì năm 2018 lương tối thiểu sẽ đáp ứng từ 92 đến 96% mức sống tối thiểu. Liệu con số này có thực chất khi mà trong những năm gần đây Việt Nam được đánh giá là nước có mức tăng lương cao song thực tế cuộc sống của người lao động vẫn luôn ở mức thiếu trước hụt sau.

Mỗi kỳ lương, người lao động lại chờ rút tiền ở cây ATM.

Câu chuyện mức sống tối thiểu đang là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất sau phiên họp thứ 3 của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Mặc dù theo Điều 91 Luật Lao động hiện hành, mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy vậy, định nghĩa và cách tính mức sống tối thiểu như hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù cả hai phía là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng với VCCI đều đưa ra các khoản mục nhu cầu thiết yếu để xác định mức sống tối thiểu thì chất lượng của các khoản mục này vẫn còn bỏ ngỏ. Đơn cử như các nhu cầu tối thiểu như ăn, ở, quần áo, chăm sóc y tế, nuôi dạy con, đi lại, hoạt động văn hóa xã hội luôn là căn cứ để tính mức sống tối thiểu, từ đó xác định mức lương tối thiểu nhưng để xác định thực chất nhu cầu này đòi hỏi phải có những nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu chứ không phải là khảo sát mang tính định lượng, bảng hỏi.

Theo chuyên gia Nguyễn Anh Trí - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM, các nghiên cứu thông qua khảo sát của TLĐLĐ chỉ dựa chủ yếu trên các mẫu là công nhân nên có thể chưa chính xác trong việc xác định đúng nhu cầu và mức độ hài lòng của công nhân. Chẳng hạn đối với rất nhiều công nhân, chỗ ở chỉ là nơi ngả lưng, tránh được nắng mưa mà họ không biết rằng chỗ ở phải đáp ứng được diện tích tối thiểu cho từng người, phải đảm bảo an toàn về sức khỏe và vệ sinh.

Chính vì vậy việc xác định mức sống tối thiểu vẫn chưa thực sự được tính đúng, tính đủ do đó việc tính toán đủ và đúng mức sống tối thiểu chấp nhận được sẽ là căn cứ xác định mức lương tối thiểu phù hợp với thực tế cuộc sống.

Song ở góc độ khác phía doanh nghiệp lại cho rằng, việc tăng lương tối thiểu sẽ có hai mặt. Người lao động sẽ có một số lợi ích như tăng bảo hiểm khi về hưu… Tuy nhiên, việc đẩy chi phí tiền lương kèm theo đó là các loại phí bảo hiểm, công đoàn lên cao… có thể khiến DN khó khăn, thu hẹp sản xuất. Từ đó, không tạo ra nhiều việc làm, thậm chí có thể cắt giảm nhân sự vì gánh nặng chi phí nhân công quá lớn.

Bình luận về con số 6,5%, đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, tuy mức đề xuất 6,5% là mức thấp kỷ lục so với các năm trước nhưng thực tế thì “đây là mức tăng rất đáng kể, là tăng thực chất chứ không phải là không, tăng ở vùng IV là thấp nhất cũng 180.000 đồng, vùng I tăng cao nhất là 230.000 đồng.

Và đây không chỉ đơn thuần là tăng 180.000 hay 230.000 đồng, mà còn dựa vào thang, bảng lương nữa nên khi tăng lương tối thiểu vùng dù chỉ là một đồng cũng đẩy các thu nhập khác tăng do đó đây là mức tăng thực chất. Mặc dù vậy khi được hỏi tại sao tốc độ tăng lương tối thiểu vùng của Việt Nam luôn được xếp vào top cao song lương tối thiểu của Việt Nam lại thấp hơn cả Campuchia, Lào vị đại diện của Hội đồng thẳng thắn cho rằng, ngay cả ở Mỹ La tinh nhiều nước được đánh giá là có nền kinh tế mạnh nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Rõ ràng dù Việt Nam đã có cơ chế khá chặt chẽ trong các quy định về lương song đến nay việc tăng lương, mức sống tối thiểu, năng suất lao động vẫn luôn là vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Chúng tôi xin trích ý kiến của các chuyên gia.

Bà Tống Thị Minh.

Bà Tống Thị Minh- Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH: Rất ít quốc gia có thể đạt được mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu

Lương tối thiểu là mức sàn để chủ sử dụng lao động đảm bảo cho người lao động đủ chi phí sinh hoạt tối thiểu và tái sản xuất. Do đó, lương tối thiểu chỉ nhằm bảo vệ lao động yếu thế trong cơ chế thị trường. Những năm trước, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng rất cao, trừ năm 2017, tốc độ tăng lương tối thiểu những năm còn lại đều từ 2 con số.

Năm 2018, tốc độ tăng lương tối thiểu dự kiến là 6,5%. Với mức tăng này, lương tối thiểu đã dần tiệm cận mức sống tối thiểu, đáp ứng khoảng 92-96% mức sống tối thiểu. Theo Nghị quyết của Quốc hội, tốc độ trượt giá năm nay khoảng 4-4,5% và tăng năng suất lao động khoảng hơn 1%. Như vậy, với tăng trưởng kinh tế khoảng 6% thì mức tăng lương tối thiểu bình quân 6,5% vẫn đủ để bù đắp trượt giá, tăng năng suất lao động và một phần để người lao động nâng dần mức sống.

Thực tế trên thế giới, rất ít quốc gia có thể đạt được mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Canada. Do đó, những năm tiếp theo, tốc độ tăng lương sẽ không còn cao như những năm trước nữa.

Cũng theo bà Minh, trên thế giới, phần lớn lương tối thiểu chiếm khoảng 40-60% tiền lương trung bình và khoảng trống còn lại là để người lao động và doanh nghiệp thương lượng. Nếu thương lượng tốt thì lương trung bình cao hơn, đời sống người lao động được cải thiện.

“Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6,5% của năm 2018, theo bà Minh, tính trung bình lương tối thiểu chiếm khoảng 57-58% mức lương trung bình, tức ở mức trung bình cao so với thế giới. Do đó, xu hướng sắp tới mức lương tối thiểu sẽ tăng nhưng tốc độ tăng sẽ giảm dần. Chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ hướng tới chính sách tiền lương quốc gia chứ không hẳn là tiền lương tối thiểu nhằm thúc đẩy năng suất để có mức tiền lương trung bình cao hơn. Tiền lương quốc gia này phải phù hợp với chỉ số khác như đầu tư, tăng trưởng, chính sách giữ ổn định chỉ số giá tiêu dùng; chính sách việc làm”- bà Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần may Hưng Yên: Doanh nghiệp đứng trước nhiều nguy cơ

Với mức tăng 6,5% khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp chịu tác động và phải giải thể. “Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã phải trả mức lương cao hơn gấp nhiều lần mức lương tối thiểu vùng, do vậy giờ nếu tăng lương tối thiểu vùng thì tiền đóng BHXH, BHYT... lại tăng thêm. Về bản chất ở đây là người lao động và doanh nghiệp cùng phải bỏ thêm tiền để đóng các khoản trên. Thực tế, lương có thể tăng nhưng thu nhập của người lao động lại giảm sút”- ông Dương phân tích.

Theo ông Dương, hiện khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt với nước ngoài thấp, vì thế bây giờ bất kể cái gì tăng thêm đều khó khăn đối với doanh nghiệp Việt.

“Tỷ lệ đóng BHXH, phí công đoàn đã lên đến 34,5%, nếu năm nay lương tăng lên 6,5% nữa thì chi phí này tăng lên khoảng 2% quỹ lương nữa. Ví dụ ở Công ty May Hưng Yên, nếu tính 2% trên tổng lương, hiện đang đóng trên lương cơ sở là 4,5 triệu đồng thì 2% tương ứng khoảng 90.000 đồng/tháng. Như vậy, 1 năm phải đóng thêm xấp xỉ 1,1 triệu đồng và với 16.000 lao động thì Công ty May Hưng Yên phải tăng lên 15 tỷ đồng đóng BHXH, con số này là rất lớn. Đồng ý việc tăng lương để đảm bảo cuộc sống cho NLĐ nhưng BHXH, chi phí khác phải giảm xuống làm sao khi cộng vào chỉ khoảng hơn 20% thôi nhưng hiện vẫn trên 34% thì bất hợp lý”- ông Dương nói.

Ngoài ra ông Dương cũng cho rằng hiện cơ chế tiền lương đang tồn tại nhiều bất hợp lý. Chúng ta căn cứ vào mức sống tối thiểu để nâng tiền lương tối thiểu, nhưng mức sống tối thiểu là bao nhiêu chưa ai xây dựng, công bố. Do đó phải tính lại chuẩn như thế nào là mức sống tối thiểu? Tại sao mức sống tối thiểu lại cao hơn mức sống bình quân? Rõ ràng, Bộ LĐTB&XH cùng với các DN, công đoàn cần xây dựng lại mức sống tối thiểu.

Ông Lê Đình Quảng.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam: Không thể vì năng suất lao động chưa cao mà bắt nhu cầu sống tối thiểu phải dưới sàn

Đúng là hiện mức tăng tiền lương tối thiểu vùng đang có tốc độ tăng cao hơn so với năng suất lao động (NSLĐ) xã hội. Cụ thể, mức tăng lương tối thiểu vùng các năm qua như sau: Năm 2014 tăng 15,2%; 2015 tăng 14,2%; 2016 tăng 12,4%; 2017 tăng 7,3%. Còn đối với NSLĐ xã hội, bình quân từ năm 2016 đến năm 2020 mức tăng dự kiến khoảng trên 5%; riêng năm 2016 tăng 5,3%. Tuy nhiên, cần phải nói rõ, NSLĐ xã hội được tính trên cơ sở GDP chia cho tổng số lao động trên 15 tuổi có việc làm. Vì vậy, NSLĐ xã hội phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu kinh tế.

“Tại Singapore, do công nghiệp chiếm nhiều trong cơ cấu nền kinh tế, nên khi chia GDP cho người lao động (chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp), NSLĐ sẽ cao; còn tại Việt Nam, lao động khu vực nông thôn còn chiếm nhiều nên NSLĐ sẽ thấp hơn nhiều”- ông Quảng nêu ví dụ.

Bên cạnh đó theo ông Quảng phải hiểu rằng tiền lương chứ không phải là tiền lương tối thiểu mới có mối quan hệ trực tiếp, mật thiết với NSLĐ, vì tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Không thể vì NSLĐ chưa cao mà bắt nhu cầu sống tối thiểu phải thấp xuống dưới sàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực chất lương tối thiểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO