Thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân: Không ít thách thức

Khanh Lê 01/02/2020 08:00

Mặc dù, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có nhiều ưu việt, nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện còn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 450 nghìn người. Kết quả này được đánh giá là rất nhỏ so với khoảng 30 triệu lao động trong khu vực phi chính thức.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Luật BHXH, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện, đó là: Người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT); lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH; người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần; được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm; thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.

Ví dụ: Người dân chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là mức thu nhập theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, bằng 700.000 đồng/tháng, tương ứng với mức đóng BHXH là 154.000 đồng/tháng. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ bằng 10%, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo tính trên mức đóng 154.000 đồng/tháng. Như vậy, một người chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm không đến 5.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ là đã được hưởng lương hưu với mức 400 nghìn đồng/tháng (nếu người lao động đóng bằng mức chuẩn nghèo nông thôn 700 nghìn đồng thì trong 20 năm phải đóng số tiền là 36.960 nghìn đồng, chưa tính trừ phần Nhà nước hỗ trợ; đến khi đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu bằng 400 nghìn đồng/ tháng và giả sử tuổi thọ bình quân sống 20 năm thì số tiền lương hưu được hường là 96 triệu, chưa tính phần tăng lên do Nhà nước điều chỉnh lương hưu khi trượt giá và tăng trưởng kinh tế đem lại). Điều này có thể thấy rõ tính chất ưu việt của BHXH tự nguyện, do Nhà nước bảo hộ.

Như vậy có thể thấy Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên đến nay số người tham gia mới chỉ đạt 450 ngàn người trong tổng số 30 triệu người chưa tham gia.

Phân tích nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện thấp, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện người dân vẫn so sánh BHXH bắt buộc có 5 chế độ (3 chế độ ngắn hạn và 2 chế độ dài hạn), nhưng BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất); trong khi đời sống còn khó khăn, nhiều khoản cần chi trước mắt, chưa tính được để dành cho tương lai. Bên cạnh đó, người dân hoàn toàn chưa hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, đóng 22% ở mức chuẩn hộ nghèo là 700.000 đồng (tương đương 154.000 đông/tháng) và đóng trong vòng 20 năm đến khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì về hưu mỗi tháng được 400.000 đồng/tháng - với mức hưởng này lớn hơn rất nhiều mức trợ cấp xã hội (270.000 đồng/tháng).

“Hiện nay, với mức hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác là chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện, do đời sống khó khăn, việc làm chưa ổn định. Hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động chưa hiệu quả, chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức, chưa giải thích cụ thể để người dân thấy được quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia chính sách BHXH tự nguyện”- ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân: Không ít thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO