Thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Quan trọng là thích ứng

Phương Linh (thực hiện) 12/03/2016 04:43

Hiệp định Paris về khí hậu vừa được thông qua (tại Pháp), tập trung vào giải quyết toàn diện các nội dung của Công ước khí hậu, áp dụng cho tất cả các quốc gia từ năm 2020. Ông Phạm Văn Tấn- Phó Cục trưởng Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu kiêm Phó Ban công tác đàm phán khí hậu của Chính phủ chia sẻ về các bước thực thi  ở Việt Nam hiện nay. 

PV: Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hiệp định Paris trong sự phát triển của nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam?

Thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Quan trọng là thích ứng

Ông Phạm Văn Tấn: Việt Nam được coi là một trong những nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris được coi là một công cụ giúp cho toàn thế giới xử lý vấn đề biến đổi khí hậu tận gốc. Việt Nam rất vui mừng vì việc toàn thế giới đã thông qua Hiệp định Paris.

Ông có thể cho biết, kế hoạch của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của Hiệp định Paris là gì?

- Trước hết Việt Nam đang có thủ tục để phê chuẩn Hiệp định Paris theo quy định của Việt Nam. Sau nữa làm thế nào để đưa tất cả các bộ, ngành, thành phần kinh tế, tất cả các thành phần của Việt Nam tham gia vào việc triển khai Hiệp định Paris. Vì chúng tôi cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu, chỉ nhà nước là chưa đủ mà phải có sự tham gia của tất cả mọi thành phần kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Chúng tôi đang lắng nghe tất cả các bên về cơ hội cũng như thách thức mà Việt Nam cần triển khai như thế nào, để thực hiện Hiệp định Paris càng sớm càng tốt.

Trong tất cả các nội dung của Hiệp định Paris mà Việt Nam đã lên kế hoạch thực hiện, theo ông đâu là nội dung quan trọng và trọng tâm?

- Đối với Việt Nam hai nội dung chính vẫn là thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hai nội dung này đã và đang được Việt Nam triển khai. Từ nay đến 2020 vấn đề giảm nhẹ khí nhà kính, tầm quan trọng sẽ được dần nâng lên và tương đương với quan tâm của Việt Nam về chủ đề thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra làm thế nào để biến vấn đề về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu đó thành đóng góp cụ thể của Việt Nam đối với ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Và những đóng góp này mang tính chất ràng buộc pháp lý. Đây là việc mà Việt Nam phải chuẩn bị tất cả về cơ sở pháp lý cũng như tổ chức, xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định Paris.

Trong quá trình Việt Nam xây dựng biện pháp để triển khai Hiệp định có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?

- Khó khăn thứ nhất là chúng ta vẫn cứ phải nâng cao nhận thức của tất cả mọi nơi, mọi người dân, doanh nghiệp, các cấp về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Ứng phó với biến đổi khí hậu không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà nước, không chỉ là nhiệm vụ của các tổ chức quốc tế, mà tự mỗi người, mỗi cơ quan tổ chức đều có trách nhiệm để thực hiện việc ứng phó này, và làm thế nào để tiếp tục phải nâng cao tuyên truyền nhận thức và lôi kéo tất cả mọi thành phần vào trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây chính là thách thức chúng tôi cần làm hiện nay cho đến năm 2020.

Trong khuôn khổ Hiệp định Paris, có những cam kết liên quan đến nông nghiệp. Theo ý kiến của ông sắp tới chúng ta sẽ gặp phải thách thức như thế nào, khi Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng nông nghiệp lại là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu?

- Rõ ràng nông nghiệp là vấn đề cực kỳ quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Vì tác động đầu tiên của biến đổi khí hậu là tác động đến vấn đề bảo đảm dân sinh xã hội của tất cả, và của Việt Nam. Nội dung nông nghiệp cũng được thể hiện rất rõ trong Hiệp định Paris. Cụ thể nhất là trong đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Việt Nam cả về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Ngoài việc làm thế nào để đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam cũng như thế giới trong điều kiện biến đổi khí hậu, chúng ta phải có những cây, những con như thế nào cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu từ nông nghiệp cũng rất lớn, từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi cho đến các hoạt động phát thải khác thuộc nông nghiệp… thì mảng nông nghiệp chính là nội dung chủ yếu đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của Việt Nam. Và trong thời gian tới, nội dung triển khai tới mảng nông nghiệp cũng sẽ triển khai giống như nội dung đã cam kết trong dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Quan trọng là thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO