Thưởng Tết: Nơi tiền tỷ, nơi lần không ra

Khanh Lê 17/01/2019 07:30

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 9/1, có 58/63 địa phương gửi báo cáo tổng hợp số liệu từ 25.565 doanh nghiệp về Bộ. Từ số liệu tổng hợp cho thấy, thưởng Tết năm 2019 đã có nhiều khởi sắc và tăng hơn năm 2018. Song mức thưởng cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, các loại hình công việc…

Thưởng Tết: Nơi tiền tỷ, nơi lần không ra

Người lao động hy vọng Tết này sẽ được thưởng cao hơn.

Từ hơn 1 tỷ đồng...

1,17 tỷ đồng là mức thưởng Tết cao nhất mà một cá nhân làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại TP HCM nhận được trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp (DN) là 10,032 triệu đồng/người. Tại Hà Nội, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, nhiều DN đã chi trả thưởng Tết Dương lịch và dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân tăng cao hơn so với năm trước từ 4% đến 6%. Mức thưởng Tết Âm lịch của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mức bình quân 4,8 triệu đồng mỗi người (tăng 4,4% với năm trước); cao nhất 396 triệu đồng và thấp nhất 750.000 đồng. Đứng thứ hai là khối DN dân doanh với mức thưởng Tết bình quân 4,2 triệu đồng mỗi người (tăng hơn 6% với năm trước), mức cao nhất và thấp nhất lần lượt là 72 triệu đồng và 660.000 đồng. Khối công ty nhà nước có mức thưởng Tết Âm lịch bình quân 3,8 triệu đồng mỗi người, mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng và thấp nhất là 800.000 đồng.

Còn theo Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh, tính tới ngày 19/12/2018, Sở đã nhận được báo cáo của 370 DN về tình hình tiền lương năm 2018, kế hoạch thưởng Tết năm 2019. mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất trên địa bàn tỉnh năm nay là 350 triệu đồng thuộc về một DN FDI - Công ty TNHH JHCOS Vina.

…Đến không có thưởng Tết

Bên cạnh những DN thưởng tiền tỷ, tiền trăm triệu thì cũng có DN có mức thưởng rất thấp, thậm chí là không có thưởng cho người lao động. Ngay như tại TP HCM, bên cạnh mức thưởng hơn 1 tỷ đồng thì theo thống kê chưa đầy đủ, ít nhất có khoảng 4 DN gặp khó khăn nên không có thưởng Tết cho người lao động. Tại Hà Nội, mức thưởng Tết Âm lịch của khối DN FDI mức bình quân 4,8 triệu đồng mỗi người (tăng 4,4% với năm trước); cao nhất là 396 triệu đồng và thấp nhất là 750.000 đồng. Còn tại Đà Nẵng, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 của các DN trong khu công nghiệp là: Đối với nhóm DN FDI tiền thưởng cao nhất là 411.340.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 11.189.000 đồng. Đối với các DN dân doanh, tiền thưởng cao nhất là 50.000.000 đồng, thấp nhất là 250.000 đồng.

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 4.528 DN (nhiều loại hình, trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất) với khoảng 51.820 người lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, 516 DN đã công bố tình hình lương, thưởng với Sở. Theo đó, thưởng Tết Nguyên đán 2019, có 385 DN có kế hoạch thưởng. Trong đó, mức thưởng bình quân từ 3,5 triệu đồng - 11,2 triệu đồng/người tùy DN. Mức thưởng cao nhất của người lao động là hơn 21,1 triệu đồng/người thuộc về DN có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; mức thưởng thấp nhất của người lao động là hơn 600.000 đồng/người thuộc về DN dân doanh.

Bài toán giữ chân lao động

Ngày 16/1, trao đổi xung quanh việc báo cáo lương năm 2018 và thưởng Tết 2019, đại diện Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, tính tới thời điểm hiện tại có 25.565 DN (ứng với 3,329 triệu người lao động) có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán. Mức thưởng bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (6,310 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018 (5,527 triệu đồng/người).

Thưởng Tết: Nơi tiền tỷ, nơi lần không ra - 1

Thưởng Tết luôn là điều được người làm công mong đợi mỗi khi năm mới đến.

Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,789 triệu đồng/người, tăng 15,2% so với năm 2018 (5,021 triệu đồng/người); Công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là 6,825 triệu đồng/người, tăng 9,8 % so với năm 2018 (6,212 triệu đồng/người). Bên cạnh đó, DN dân doanh là 6,445 triệu đồng/người, tăng 26,6% so với năm 2018 (5,089 triệu đồng/người)…Ngoài ra, DN FDI là 6,236 triệu đồng/người, tăng 9,7% so với năm 2018 (5,680 triệu đồng/người).

Thực tế, dù thưởng Tết không được quy định “cứng” trong Luật, tuy nhiên từ lâu việc thưởng Tết được xem là nhân tố được nhiều doanh nghiệp chọn nhằm giữ chân lao động sau Tết. Ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc chi nhánh Đại Từ, Thái Nguyên, Công ty TNG chuyên sản xuất hàng may mặc, thời trang xuất khẩu cho biết, để đảm bảo thu nhập cũng như nâng cao đời sống cho hơn 14.000 lao động, từ nhiều năm nay, vấn đề lương thưởng Tết của công ty luôn được chú trọng và khá ổn định. Trung bình mỗi lao động được hưởng 1 tháng lương.

“Năm 2018, mỗi lao động được thưởng 1,2 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, năm nay do ngành may mặc có khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt 138% kế hoạch năm, nên dự kiến tiền thưởng Tết có thể cao hơn năm trước. Hiện nay công ty may TNG có trên 14.000 lao động với mức lương trung bình mỗi tháng là 7,1 triệu đồng/ người. Dự kiến, năm nay công ty sẽ dành ra khoảng 149 tỷ đồng để thưởng Tết” - ông Huy cho biết.

Cũng theo ông Huy, việc giữ chân người lao động sau Tết đã là bài toán khó đối với các DN, đặc biệt là các DN thâm dụng lao động như dệt may, da giày, vì vậy để đảm bảo số lượng lao động quay trở lại làm việc sau Tết, nhiều DN ngoài việc thưởng Tết từ 1-2 tháng lương còn có những chính sách hỗ trợ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng Tết: Nơi tiền tỷ, nơi lần không ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO