Tìm lời giải nào cho bài toán ô nhiễm không khí

Nguyên Khánh 11/04/2017 08:35

Đô thị hóa chóng mặt, tốc độ gia tăng theo cấp số nhân các phương tiện cơ giới... là những thủ phạm khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại các TP lớn trầm trọng thêm. Ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân khi thực trạng bệnh nhân mắc các chứng bệnh về đường hô hấp ngày càng nhiều. Vậy đâu là lời giải để chặn đứng các tác nhân gây ô nhiễm không khí?

Xe cộ dày đặc gây ô nhiễm không khí.

Báo động ô nhiễm môi trường khí

TS Hồ Quốc Bằng - Trưởng phòng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và tài nguyên, ĐHQG TP.HCM cho biết, tại TP.HCM, các loại bụi tổng hợp đều vượt xa tiêu chuẩn đến 2,2 lần và gây tác động cực kỳ nguy hại đến sức khỏe của người dân.

“Nguy hại nhất vẫn là bụi được sản sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp hay hoạt động xả thải từ phương tiện giao thông. Nếu không kiểm soát được loại bụi này cực kỳ nguy hại cho sức khỏe”, ông Hồ Quốc Bằng cảnh báo.

Bà Ngụy Thị Khanh- Giám đốc GreenID (Tổ chức phi chính phủ) cho biết, Hà Nội và TP HCM chiếm tới 18% dân số của cả nước, tuy nhiên người dân của hai thành phố này đang sống trong điều kiện không khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Về lượng bụi PM, quy chuẩn là 25 µg/m3 thì tại TP.HCM là 28,23 µg/m3. Tuy nhiên tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3, cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO.

Ô nhiễm môi trường không khí hiện đang là tác nhân chính gây ra các bệnh hô hấp tại Việt Nam. Theo TS. Đỗ Mạnh Cường- Phó trưởng phòng Sức khỏe và Môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), một ngày con người cần 10.000 lít không khi để thở.

Tuy nhiên, với chất lượng không khí như hiện tại sẽ trở thành tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp. Nhóm dễ bị ảnh hưởng là người cao tuổi, phụ nữ có thai, có thể gây ảnh hưởng bào thai, trẻ em, người có bệnh sẵn…

Theo ông Cường, trong số 5 bệnh tật có tỷ lệ mắc cao nhất trong cơ cấu bệnh tật thì bệnh đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất, tỷ lệ tử vong đứng thứ 2. Trong số 10 bệnh có tỷ lệ bệnh nhân cao trên 100.000 dân thì viêm phổi đứng thứ 2, viêm họng - amidan cấp thứ 3… Trong số các bệnh chết cao nhất trên 100.000 dân thì viêm phổi đứng thứ 2.

Theo dự báo, tỷ lệ người dân bị viêm phổi, nhập viện vì khó thở, tim mạch… có thể tăng gấp đôi vào năm 2020 nếu không có biện pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm.

Tăng chế tài, hạn chế phương tiện cá nhân

Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm, vấn đề cần làm lúc này là chặn được tác nhân gây ô nhiễm. Theo GS.TS Nghiêm Trọng Dũng- Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội): Để giám sát chất lượng không khí xung quanh (AQM) trên thế giới, người ta phải khu biệt – tập trung vào nguồn thải và chất gây ô nhiễm chính để xử lý, các vấn đề còn lại phải có sự tiếp sức của cộng đồng.

Ví dụ khi Thái Lan loại bỏ xăng pha chì (1996), loại bỏ baby taxi ở Dhaka (Băng la đét - 2003), xăng pha chì ở Việt Nam (2001)… tình hình ô nhiễm không khí đã được cải thiện rõ rệt.

Vì vậy chúng ta cần mở rộng khung pháp lý về AQM, bao gồm các bên liên quan như: Công cụ kinh tế, nhu cầu và quy hoạch giao thông, lồng ghép AQM vào quy hoạch sử dụng đất, thắt chặt tiêu - quy chuẩn về nguyên liệu, phương tiện giao thông, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Theo bà Lưu Thanh Chi- Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, thời gian tới, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội sẽ triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường không khí Hà Nội.

Theo đó, kiểm soát chặt về các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi, khí thải tại các công trường xây dựng ở khu vực nội thành. Đồng thời xử phạt nặng với các hành vi vi phạm về môi trường.

Tăng cường thanh tra, giám sát việc xử lý ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm tập kết để trung chuyển đất, phế thải xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động (nước, khí thải) tại cá khu vực trọng yếu, nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho cơ quan quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực.

Hà Nội cũng đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc (TQT) không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến), số liệu quan trắc không khí sẽ được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND TP.

Theo đó sẽ tiếp tục hoàn thiện trung tâm truyền nhận, xử lý dữ liệu từ các TQT tự động, chuyển về đầu mối quản lý. Đồng thời giám sát và bắt buộc các chủ dự án, cơ sở phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các TQT trắc tự động và truyền số liệu về một đầu mối để theo dõi, giám sát.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thông qua các thông số từ các TQT thủ phạm gây ô nhiễm không khí Hà Nội liên quan đến xả thải của xe máy và ôtô”.

Hiện TP có khoảng 2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000. Hà Nội sẽ cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6/2017, sau đó sẽ trình Chính phủ; một trong các nội dung của đề án là đưa ra biện pháp thu hồi ôtô, xe máy đã quá đát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm lời giải nào cho bài toán ô nhiễm không khí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO