Trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh: Dễ mà khó

Thu Hà 19/11/2017 07:00

Những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển mạnh về ngôn ngữ. Do đặc điểm thẩm thấu ngôn ngữ tự nhiên nên ở thời kỳ này nếu trẻ được làm quen với tiếng Anh đúng hướng sẽ phát âm chuẩn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, băn khoăn nhất là đội ngũ giáo viên.


Giáo viên nước ngoài là nhân tố đồng hành và khơi gợi cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo.

Giai đoạn vàng phát triển ngôn ngữ
Việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra hướng dẫn thực hiện từ năm 2014. Sau 3 năm triển khai, ghi nhận ở các địa phương cho thấy nhu cầu cho trẻ mầm non học tiếng Anh của phụ huynh ngày càng lớn. Nếu trong năm học 2013-2014, cả nước có 21 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh thì đến năm học 2016-2017, con số này là 41, tăng 20 tỉnh, thành phố.

Nói về hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, TS Đặng Lộc Thọ- hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương cho biết: Tại các nước nói tiếng Anh bản ngữ, trẻ nhập cư dưới 5 tuổi học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai để sinh sống, vui chơi, học tập, hòa nhập với trẻ em bản địa. Các nước Singapore, Malaysia, Philippines coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, bắt buộc phải sử dụng trong trường học, trẻ học tiếng Anh cùng tiếng mẹ đẻ ngay từ bậc mầm non. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã có chiến lược nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh bằng cách cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ bậc mầm non.

Thực tế cho thấy, trẻ mẫu giáo có thể tiếp thu ngôn ngữ thứ hai mà không cần quá cố gắng hoặc sự giảng dạy có hệ thống. Theo các nhà khoa học Pháp và Canada, trẻ từ 7 tháng tuổi có thể học, hiểu hai ngôn ngữ dù cấu trúc ngữ pháp rất khác nhau. Trẻ 5 tuổi có thể học nói 2-3 thứ tiếng cùng lúc với chất giọng chuẩn nếu người hướng dẫn có trình độ. Trẻ từ 2-6 tuổi lĩnh hội ngôn ngữ với tốc độ nhanh đến mức vào tuổi thứ 6 đã có thể sử dụng ngôn ngữ tương đối hoàn thiện.

Kết quả các nghiên cứu cũng khẳng định vai trò của việc cho trẻ làm quen với ngôn ngữ thứ hai góp phần tăng cường sự phát triển trí tuệ, đặc biệt là phát triển kĩ năng ngôn ngữ; tăng cường khả năng tiếp thu, khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Trẻ chủ động và mạnh dạn hơn khi giao tiếp, kích thích trẻ học tốt hơn các nội dung khác thông qua ngôn ngữ này...

Về khả năng tiếp thu của trẻ, ThS Nguyễn Hoàng Mai Thy - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang chia sẻ: Trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và từ đó, sử dụng nó để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn mẫu giáo, trẻ học tiếng Anh theo cách riêng, chủ yếu qua các hoạt động vui chơi, tương tác với giáo cụ trực quan, bắt chước nhanh và có thể tự tìm ra các quy tắc để nhớ ngôn ngữ mới.

Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu
Việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh, phương pháp được sử dụng chủ yếu là trò chơi, hát, đọc thơ, đóng kịch..., tiếp theo là thông qua các hình ảnh trực quan sinh động, ảnh, thẻ chữ. Về đội ngũ giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non được đào tạo thêm về ngoại ngữ, hoặc giáo viên ngoại ngữ được đào tạo thêm về nghiệp vụ giáo dục mầm non, một số trường có giáo viên đi học ở nước ngoài hoặc giáo viên bản ngữ. Vì thế chất lượng không đồng đều.

Hiện đa số các địa phương đều liên kết với các trung tâm để triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Mỗi giờ học sẽ có giáo viên của trung tâm và một giáo viên của trường làm trợ giảng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, giáo viên của trung tâm chỉ đến dạy khoảng 30-45 phút rồi về nên học sinh không có nhiều cơ hội giao tiếp. Giáo viên trung tâm giỏi tiếng Anh nhưng lại không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, đối tượng học sinh vốn có rất nhiều đặc thù riêng về tâm sinh lý. Vì thế, giáo viên bị hạn chế trong việc lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động. Giáo viên của trường có năng lực sư phạm nhưng lại không đủ năng lực ngoại ngữ, thậm chí lúng túng ngay cả khi chỉ làm trợ giảng.

Để trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh một cách hiệu quả, theo TS Đặng Lộc Thọ, cần tính đến các quy luật tâm lý về tiếp thu ngoại ngữ ở giai đoạn mẫu giáo. Trẻ làm quen với tiếng Anh không phải để thay thế tiếng mẹ đẻ mà cần được tổ chức trên nền phát triển của tiếng mẹ đẻ. Đặc biệt, theo ông cần tránh nóng vội, tạo cơ hội, thời gian cho trẻ tiếp xúc, khám phá ngôn ngữ mới, khuyến khích trẻ giao tiếp bằng tiếng Anh, cho dù mắc nhiều lỗi.

ThS Nguyễn Hoàng Mai Thy cũng cho rằng: Những hiểu biết về tâm sinh lý trẻ mầm non, phong cách học tập cũng như chương trình giáo dục mầm non là cơ sở khoa học quan trọng trong việc xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, lồng ghép các hình thức tổ chức giáo dục để triển hiệu quả. Vì vậy, bà cho rằng để dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non thành công, giáo viên phải có năng lực sư phạm phù hợp với bộ môn và đối tượng người học.

Mới đây, tại hội thảo đánh giá ba năm triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bá Minh- vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT cho biết, sau 3 năm thực hiện, việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo ông Minh, quá trình triển khai thực tiễn ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn do chưa có sự hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ.

Cụ thể, việc chưa có chương trình khung cũng như quy định về thẩm định tài liệu, giáo trình khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai do năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Hiện chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên cho trẻ làm quen tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non; tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Đội ngũ giáo viên người nước ngoài trực tiếp giảng dạy hầu hết chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm mầm non; trình độ ngoại ngữ của giáo viên mầm non chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường và Phòng GDĐT còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ nên khó khăn trong kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.

Theo các chuyên gia, trẻ ở lứa tuổi mầm non với đặc điểm tâm lý là thông qua việc chơi để tìm hiểu thế giới xung quanh, hơn nữa trẻ cũng chưa có thói quen tập trung và ý thức học tập. Vì thế Bộ cần ban hành chương trình khung về việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh để các địa phương làm căn cứ xây dựng chương trình tại địa phương. Đồng thời, xem xét quy định tiêu chuẩn giáo viên, đào tạo bồi dưỡng giáo viên trực tiếp cho trẻ làm quen tiếng Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh: Dễ mà khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO