Tự ngược đãi bản thân: Trào lưu hay hội chứng?

Phan Lê 27/08/2017 09:08

Thời gian gần đây, không ít người trẻ có hành vi tự ngược đãi bản thân do gặp những vấn đề căng thẳng trong đời sống hoặc bất mãn với bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và việc không được đáp ứng của cá nhân. Hội chứng này đang có dấu hiệu lan rộng khiến các bậc phụ huynh và xã hội lo lắng.


Ảnh minh họa.

Tự làm đau để được thỏa mãn
Theo TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm “đau” về cả thể chất và tinh thần với mục đích loại trừ bản thân... Một ai đó dùng dao (dao lam), mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân. Hoặc một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình…

TS Nguyễn Văn Tuấn- Phó Viện trưởng Viện SKTT cho biết: Những năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều người có triệu chứng tự ngược đãi bản nhân và chủ yếu là điều trị ngoại trú. Điển hình như một bệnh nhân nữ 21 tuổi là sinh viên năm thứ 2 đại học; là con thứ 2 trong gia đình, tính cách hiền, dễ xúc động, học thiên về môn xã hội.

Bệnh nhân có học lực khá, luôn có mong muốn được đi nước ngoài du học nhưng do điều kiện gia đình nên tất cả chỉ là mong muốn chứ khó có thể thực hiện. Bệnh nhân trăn trở về vấn đề này rất nhiều, tâm trạng luôn ức chế và không thấy thoải mái với hoàn cảnh hiện tại.

Chính vì vậy, bệnh nhân bị mệt mỏi, buồn ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Từ tâm trạng đó, bệnh nhân đã có hành vi cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện, trên cổ tay bệnh nhân có 16 vết cắt, nông, đủ rỉ máu. Bệnh nhân cho biết mỗi lần cắt tay đều không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau đó, bệnh nhân đã được người thân quan tâm nhiều hơn và không tiếp tục thực hiện hành động cắt tay nữa.

Tuy nhiên, thay vào đó, bệnh nhân xuất hiện những cơn rối loạn vận động phân ly. Sau khi vào viện, bệnh nhân đã được làm liệu pháp tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm và giảm lo âu. Sau 3 tuần, bệnh nhân đã đỡ gần và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.

Dấu hiệu mắc
Theo ThS tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể phình to thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì hậu quả khôn lường.

Đầu năm nay, nước Nga giật mình vì một thanh niên 21 tuổi, đã kích động một trò chơi “chết người” tên là “Thử thách Cá voi xanh”. Theo đó, người này chọn 20 người trong số 20.000 người quan tâm đến trò chơi để đưa ra các nhiệm vụ trong 50 ngày như dùng dao khắc hình cá voi trên tay, xem phim kinh dị, cắt mạch máu, giữ thăng bằng trên mái nhà cao tầng, thức dậy lúc 4h sáng, giết một con vật và cuối cùng là tự sát vào ngày cuối cùng.

Trò chơi này đã trở thành trào lưu trong giới trẻ, gây ra cái chết của 130 thiếu niên ở Nga và nhanh chóng lan sang Anh khiến cảnh sát Anh liên tục phải cảnh báo, tuyên truyền ngăn chặn xu hướng này ở các trường học.

BS Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết: “Áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí muốn chứng tỏ mình… khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen (từ 13-19 tuổi). Đây là giai đoạn quá độ giữa thiếu niên và trưởng thành, thuật ngữ tâm lý học gọi là thời kỳ “giông bão và stress”.

Cũng theo BS Phượng, “Thử thách Cá voi xanh” không phải là một câu chuyện của nước ngoài, nó đã lan đến Việt Nam. Một bệnh nhân của chị kể rằng cậu bị trò chơi này kích thích, và chỉ cảm thấy mình “có ý nghĩa” khi bắt đầu dùng dao rạch lên cơ thể và đã phải dùng thuốc để điều trị.

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu nhận biết bệnh nhân mắc chứng bệnh tự ngược đãi bản thân là có hành vi tự gây tổn hại như tự gây đau, hay gặp nhất là hình thức cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu ở nhiều vị trí khác nhau nhưng không gây tổn hại đến tính mạng.

Theo Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương, người bệnh cũng có thể lao đầu vào tường, tự đánh, tự tát; nhổ tóc, cấu rách da; nhịn ăn. Cùng đó, là trạng thái ức chế cảm xúc đi kèm như tự gây tổn hại về tinh thần, tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở. Quan trọng là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.

Ngoài ra, người bệnh thường có cảm giác buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ; đặc biệt, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu. Bên cạnh đó là những triệu chứng khác như nhịp tim không đều, nhanh hoặc đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp; mỏi đầu gối, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp; cảm thấy thở khó, sợ chết ngạt...

Theo TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai: tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm “đau” về cả thể chất và tinh thần với mục đích loại trừ bản thân... Một ai đó dùng dao (dao lam), mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân.

Gia đình là yếu tố quan trọng
Về căn bệnh còn mới lạ và vô cùng nguy hiểm này, TS.BS Dương Minh Tâm- Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe tâm thần phân tích: Nguyên nhân là do hiện nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Trong khi đó ở nhà, cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc.

Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác nhưng người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác. Theo đó, stress thường gặp là những vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và việc không được đáp ứng của cá nhân.

Lứa tuổi vị thành niên vốn tâm lý chưa ổn định, những cuộc trao đổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để hiểu và khuyên bảo con, giúp con bồi dưỡng nhân cách, giảm stress trong cuộc sống. Cha mẹ phải luôn thân thiện và tôn trọng con, không những trở thành người bạn để chia sẻ mọi tâm tư với con cái mà chính họ phải thừa nhận những mặt mạnh, yếu của mình cũng như điều được và chưa được của con cái để tạo ra sự công bằng trong cách ứng xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự ngược đãi bản thân: Trào lưu hay hội chứng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO